Dư địa hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam - Cuba là rất rộng.

Dư địa hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam - Cuba là rất rộng.

Cuba chờ đón dòng vốn từ Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

Cuba đã hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ Việt Nam thông qua hiệp định thương mại giữa hai nước có hiệu lực từ đầu tháng 4/2020.

Dư địa hợp tác rất rộng

“Đặc khu Phát triển Mariel (ZEDM) có điều kiện thuận lợi về vị trí, hạ tầng, áp dụng chế độ khuyến khích, ưu đãi, thuế cho các nhà đầu tư vào đặc khu này. Cuba luôn khẳng định quyết tâm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, đầu tư kinh doanh và cụ thể hóa các dự án đầu tư của mình tại Cuba”, bà Irima Perojo, Tham tán Thương mại và Kinh tế Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam nhấn mạnh điều này trước sự quan tâm của các nhà đầu tư Việt Nam tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Cuba diễn ra mới đây.

ZEDM là đặc khu kinh tế đầu tiên của Cuba, được thành lập theo tinh thần Định hướng 103 của Đại hội VI, Đảng Cộng sản Cuba.

Hiện nay, các công ty Việt Nam đã có mặt tại ZEDM, cùng liên kết sản xuất vật liệu xây dựng và nhu yếu phẩm. Đặc biệt, năm 2018, Công ty TNHH ViMariel (thuộc Tổng công ty Viglacera - CTCP) đã được thành lập nhằm phát triển khu công nghiệp ViMariel rộng 256 ha nằm trong ZEDM.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến đầu tư sang Cuba. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới có 4 dự án sang Cuba với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài là 44,33 triệu USD, tập trung vào 2 lĩnh vực chính là công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

“Dư địa hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam - Cuba là rất rộng”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.

Làm rõ hơn, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Cuba có nhiều thuận lợi, bởi hai nước có quan hệ truyền thống lâu đời. Bên cạnh đó, hai bên có các ngành hàng có thể bổ sung cho nhau. Cuba có nhu cầu lớn về các mặt hàng công nghiệp, máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nông nghiệp phát triển hạ tầng du lịch, dịch vụ logistics, mà đây là các ngành mà Việt Nam có lợi thế. Ở chiều ngược lại, Cuba có nhiều thế mạnh về dược phẩm, đào tạo, y tế, xây dựng… có khả năng hợp tác tốt với Việt Nam.

Cơ chế đã sẵn sàng để đón dòng vốn lớn

Đặc biệt, ngày 1/4/2020, Việt Nam và Cuba đã hoàn tất thủ tục chính thức đưa Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba hoàn tất và đi vào thực thi. Điểm nổi bật trong hiệp định này là hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.

Với mục tiêu phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 500 triệu USD trong thời gian sớm nhất, Cuba mong muốn gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, nhất là dịch vụ y tế và các sản phẩm sinh học, đồng thời thu hút thêm dự án đầu tư của Việt Nam vào Cuba. Được biết, hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động hiệu quả tại Cuba.

Bà Irima Perojo cho biết, dòng vốn đầu tư vào Cuba ngày càng gia tăng kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài mới của nước này có hiệu lực. Năm 2018, Cuba đã đạt kỷ lục về thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2020, Cuba đã thu hút được 503 dự án, trong đó có 44 dự án thuộc ZEDM.

Ngoài ra, theo bà Irima Perojo, Hiến pháp của Cuba mới được thông qua có quy định về đầu tư nước ngoài; ban hành các luật chuyên ngành, trong đó có luật điều chỉnh về thu hút FDI của Cuba; sửa đổi nhiều đạo luật để tạo thuận lợi cho thu hút FDI; ban hành 2 đạo luật liên quan đến đảm bảo thương mại cho đầu tư FDI vào Cuba; có những cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các vấn đề về hạ tầng, nguồn nhân lực, chế độ an sinh xã hội tốt, trình độ dân trí cao… cũng là những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan