"Cửa tử" chờ các công ty chứng khoán

"Cửa tử" chờ các công ty chứng khoán

Kinh tế khó khăn, TTCK đi xuống khiến quá trình sàng lọc công ty chứng khoán diễn ra mạnh mẽ.

>> CTCK nhỏ: Những nỗi niềm khó tỏ

>>Quý III, CTCK kiếm tiền từ mảng nào?

>> Môi giới quý III, phía sau con số thị phần

Con đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM một thời được mệnh danh là “Phố Wall” của Việt Nam, giờ đây đang trở nên buồn tẻ hơn bao giờ hết khi mà hàng loạt chi nhánh CTCK tại đây đã phải đóng cửa.

Thị phần - cuộc chơi của các “ông lớn”

 

Sở GDCK TPHCM (HOSE) vừa công bố thông tin về thị phần giá trị giao dịch môi giới quý III/2013 của 10 CTCK hàng đầu tại HOSE. Theo đó, 10 CTCK dẫn đầu chiếm hơn 65% thị phần môi giới cổ phiếu của cả thị trường, tăng nhẹ với mức hơn 63% của quý II/2013.

 

Cụ thể, CTCK TPHCM (HSC) tiếp tục dẫn đầu với 14,14%. Tiếp đến, CTCK Sài Gòn (SSI) đứng thứ hai với thị phần đạt còn 9,72%. CTCK Bản Việt - VCSC đứng thứ 3 với 8,31%; CTCK ACBS đứng thứ 4 với 6,44%. Đáng chú ý, CTCK Ngân hàng Công Thương - CTS  trở lại top 10 với 4,48% thị phần.

 

Có thể thấy, sự thăng hạng hay tụt hạng đối với các CTCK trong top 10 không có biến động nhiều qua các quý. Riêng CTCK TPHCM (HSC) duy trì vị trí đứng đầu trên cả hai sàn, nhưng thị phần quý III trên HOSE lại thấp hơn nhiều so với quý I/2013. Doanh thu môi giới 9 tháng của 7 CTCK có số liệu về thị phần trên cả hai sàn ước tính đều đã đạt từ 60% con số của cả năm 2012.

 

Phần đóng góp của doanh thu môi giới vào tổng doanh thu của 7 CTCK nêu trên ngày càng có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) đã đẩy tỉ trọng doanh thu môi giới trên tổng doanh thu từ mức chưa đến 38% trong năm 2012 lên xấp xỉ 48% trong nửa đầu của năm 2013.

 

Điều đó cho thấy các nghiệp vụ kinh doanh khác của CTCK này như ký quỹ, tư vấn, ứng trước... có ý nghĩa hỗ trợ rất lớn đối với mảng môi giới. Với các CTCK khác, tỉ trọng doanh thu môi giới trên tổng doanh thu gia tăng cho thấy, nhiều mảng hoạt động tạo tiền khác như tư vấn, bảo lãnh phát hành, tự doanh... đang giảm dần khả năng sinh lợi trên TTCK.

 

Nhìn lại bảng xếp hạng thị phần của vài năm trước, chỉ cần hơn 3% là có thể lọt vào top 10, và số lượng các Cty trong top 10 chiếm từ 3% thị phần trở lên có thể lên tới 4-5 Cty, còn bây giờ thì chỉ có 2. Những số liệu này chỉ ra rằng, các CTCK lớn tiếp tục "nuốt" thị phần của các CTCK nhỏ. 5 CTCK dẫn đầu thị phần đã chiếm gần một nửa số thị phần giao dịch hiện nay. Còn nhóm 10 CTCK có thị phần dẫn đầu đã chiếm gần 80% giao dịch của thị trường.

 

“Cửa tử” ngày càng mở rộng

 

Khi TTCK đi xuống, mảng kinh doanh nào của CTCK cũng gặp khó. Nhiều CTCK phải xoay xở đủ cách để tồn tại, từ việc đẩy mạnh những mũi nhọn hoạt động đến việc cắt giảm chi phí bằng cách giảm nhân sự, thu hẹp diện tích văn phòng đi thuê.

 

Theo thống kê của Vietstock, gần 10 tháng đầu năm đã có 8 CTCK chính thức bị UBCKNN chấm dứt tư cách thành viên giao dịch CK và 1 Cty tự nguyện giải thể. Hầu hết trong số này đều là các Cty nhỏ, hoạt động có dấu hiệu thua lỗ, nên việc chấm dứt tư cách thành viên đã được dự báo từ trước. Do tình hình thị trường CK vẫn tiếp tục khó khăn, vì vậy, giai đoạn cuối quý III/2013, số lượng CTCK bị chấm dứt tư cách thành viên gia tăng mạnh mẽ.

 

Cụ thể, trong tháng 9, có 5 Cty chính thức có quyết định chấm dứt tư cách thành viên giao dịch là CTCK Liên Việt (LVS), CTCK Chợ Lớn (CLS), CTCK Âu Việt (AVS), CTCK Thủ Đô (CSCJ) và CTCK Nam An (NASC), riêng CTCK Sao Việt (SVS) tổ chức ĐHCĐ thông qua vấn đề giải thể. Hiện HĐQT của SVS đang tiến hành làm các thủ tục để hoàn thành việc giải thể.

 

Bên cạnh những Cty bị chấm dứt tư cách thành viên và tự nguyện giải thể thì từ đầu năm đến nay, vẫn còn một số Cty rơi vào tình trạng bị đình chỉ hoạt động và khả năng các Cty này sẽ bị chấm dứt tư cách thành viên là rất cao như CTCK Việt Quốc (VQSC), CTCK Golden Bridge Việt Nam (GBVS), CTCK Đại Việt (DVSC), CTCK VIT (VITS)... Trong đó, VITS đang có phương án sáp nhập vào CTCK MB (MBS).

 

Việc các CTCK phải sàng lọc, chỉ những thực thể mạnh khỏe mới tồn tại trên thị trường là điều cần thiết. Nhiều CTCK rơi vào thua lỗ trong các hoạt động nghiệp vụ và có tình hình tài chính yếu kém, buộc cơ quan quản lý phải có hướng xử lý quyết liệt.

 

Tuy nhiên, để rời khỏi thị trường một cách êm đẹp cũng không phải là câu chuyện đơn giản, bởi mỗi CTCK dù nhỏ cũng phải có đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tài khoản đang mở. Chỉ riêng việc xử lý các mối quan hệ lợi ích với nhà đầu tư để được “đóng cửa” là câu chuyện gian nan không kém. Thua lỗ, nợ nần và đã chết "lâm sàng" nhưng nhiều CTCK vẫn phải bỏ tiền duy trì hoạt động chờ đến ngày được "chết".