Tín hiệu tích cực hiếm hoi
Đó là, doanh thu thuần của Halico trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 70,5 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước, dẫn đến lợi nhuận gộp đạt 5,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính đạt hơn 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các khoản trên sau khi trừ đi giá vốn hàng bán vẫn chưa gánh vác nổi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, chiếm hơn 47 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ), nên Công ty lỗ thuần 38,9 tỷ đồng.
Kết quả, Công ty lỗ sau thuế 38,86 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 46 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2018 là 294,5 tỷ đồng.
Halico có Quỹ đầu tư phát triển hơn 613 tỷ đồng, được trích từ nguồn lợi nhuận sau thuế từ những năm 2008 - 2013, trung bình mỗi năm 100 tỷ đồng, đến năm 2014, Quỹ dự phòng tài chính với số dư hơn 17 tỷ đồng được nhập vào quỹ này.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, Công ty kinh doanh thua lỗ nên không trích lập thêm.
Tính đến cuối tháng 6/2018, khoản mục tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn của Halico giảm đáng kể so với cuối năm 2017. Cụ thể, tiền mặt hơn 40,7 tỷ đồng, giảm gần một nửa và đầu tư tài chính ngắn hạn 20 tỷ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cuối năm 2017. Công ty không có nợ vay tài chính.
Vốn điều lệ ban đầu của Công ty khi chuyển sang hình thức công ty cổ phần vào năm 2006 là 48,5 tỷ đồng, từ đó đến nay có 4 đợt tăng vốn, đạt 200 tỷ đồng.
Hình thức tăng vốn điều lệ là phát hành cổ phiếu thường và trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ cổ tức lần lượt là 18%, 18%, 50% và 84,33%.
Giai đoạn 2012 - 2017: Doanh thu giảm dần đều
Dấu hiệu đi xuống trong hoạt động kinh doanh của Halico đã bắt đầu từ 7 - 8 năm trước khi doanh thu giảm dần đều từ mức 768 tỷ đồng năm 2011 xuống 696 tỷ đồng năm 2012 và còn khoảng 125 tỷ đồng năm 2017.
Lợi nhuận cũng có diễn biến giảm dần và thua lỗ, ngoại trừ năm 2012 ghi nhận lợi nhuận đột biến 205,5 tỷ đồng nhờ khoản thu nhập khác gần 169 tỷ đồng - là khoản đền bù di dời nhà máy từ 94 Lò Đúc, Hà Nội về Bắc Ninh.
Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động kinh doanh xuống dốc, theo Halico, là sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa. Hoạt động chủ yếu của Halico là sản xuất - kinh doanh đồ uống có cồn, không có cồn với các thương hiệu như Lúa mới, Vodlka Hà Nội, Bluebird…
Với sự xuất hiện ngày càng nhanh và sự mở rộng hoạt động của các hãng nước ngoài cùng ngành nghề như Heineken, Carlsberg, Anheuser-Busch Inbev…, thị hiếu tiêu dùng của nhiều người Việt Nam dịch chuyển dần sang các sản phẩm rượu ngoại.
Những năm gần đây, sản lượng tiêu thụ của Halico giảm mạnh so với năng lực sản xuất của Công ty, năm 2015, sản lượng bằng 50% công suất; năm 2016 - 2017, sản lượng sản xuất bằng lần lượt 35% và 30% công suất.
Ngoài ra, yếu tố khiến Halico lỗ nặng trong năm 2017 chính là thiếu hụt mảng doanh thu “gia công” từ đơn đặt hàng của Diageo - cổ đông lớn thứ hai, sở hữu hơn 45% vốn.
Đối tác Diageo không đàm phán được hợp đồng cung cấp với phía đối tác nên Halico không phát sinh doanh thu từ việc sản xuất rượu gia công cho Diageo.
Trong khi đó, tỷ lệ gia công cho Diageo chiếm 22% lượng sản xuất của Halico và tương ứng với 23% doanh thu hàng năm. Chính vì vậy, doanh thu năm 2017 giảm 53,6% so với năm 2016.
Mặt khác, Halico vẫn phải phân bổ chi phí chung cố định vào giá vốn theo công suất bình thường của máy móc, thiết bị, nhưng sản lượng lại chỉ đạt khoảng 30% năng lực sản xuất, nên biên lợi nhuận gộp sụt giảm.
Đồng thời, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý gia tăng do Công ty duy trì các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các nhà phân phối, đại lý, chi phí cho chiến lược marketing nhằm lấy lại thị trường, nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng…
Tính đến 31/12/2017, lỗ lũy kế của Halico là 255,7 tỷ đồng, trong đó năm 2017 lỗ gấp 4,2 lần so với năm 2016.
Kỳ vọng năm 2020 bắt đầu có lãi
Theo kế hoạch đề ra của Halico trong hai năm 2018 - 2019, dù chỉ tiêu doanh thu tăng trưởng mạnh, năm 2018 là 191 tỷ đồng, tăng 52,3% và năm 2019 là 228 tỷ đồng, tăng 19,42%, nhưng kế hoạch lợi nhuận vẫn chưa sáng sủa, lần lượt lỗ 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.
Như vậy, nếu Halico hoàn thành kế hoạch đề ra trong 2 năm này thì số lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 sẽ là 366,7 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Halico kỳ vọng, từ năm 2020, Công ty sẽ bắt đầu có lãi.
Cơ sở chính cho kế hoạch doanh thu tăng trưởng của Halico là tiếp tục sản xuất, xuất khẩu một số sản phẩm rượu cho đối tác Diageo, với doanh thu xuất khẩu dự kiến đạt 100 tỷ đồng (chiếm phân nửa tổng doanh thu) cho 2 năm 2018 - 2019 và kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 30% cho các năm tiếp theo.
Thực tế, dù hoạt động kinh doanh có nhích lên, nhưng các vấn đề tồn tại từ nhiều năm trước của Halico như tồn kho, công nợ…, chưa được giải quyết triệt để và đặc biệt là chiến lược phát triển sản phẩm chưa được Ban lãnh đạo Công ty trình bày rõ ràng để các cổ đông có thể tin tưởng nhiều hơn về tương lai tích cực của Halico. Ở thời điểm hiện tại, điểm sáng rõ ràng hơn cả là Halico có lại đơn hàng gia công cho đối tác của cổ đông lớn.
Ngày 6/8/2018, 20 triệu cổ phiếu HNR của Halico giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 31.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức vốn hóa 638 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với định giá trước đây của Diageo khi chấp nhận chi trả gần 2.000 tỷ đồng để mua 45,5% vốn cổ phần Halico (khoảng 213.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá Công ty 4.300 tỷ đồng).
Tại thời điểm Diageo trở thành cổ đông chiến lược của Halico, Diageo được đánh giá là tập đoàn rượu bia đa quốc gia lớn nhất thế giới đến từ Anh quốc, sở hữu nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Johnnie Walker, Crown Royal, Balleys…
Đồn đoán cổ đông lớn sẽ thoái vốn
Cổ phiếu HNR hiện ở tình trạng “chết” thanh khoản, khi không có một cổ phiếu nào được giao dịch kể từ ngày chào sàn UPCoM đến nay. Vì vậy, cổ phiếu HNR được một số nhà đầu tư nói vui là “kiên định” với thị trường, vẫn có mức giá tham chiếu 31.900 đồng/cổ phiếu.
Điều này có thể được lý giải bằng cơ cấu cổ đông cô đặc của Halico. Cụ thể, hai cổ đông lớn nhất chiếm đến 99,86% vốn cổ phần, bao gồm Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sở hữu 54,29% và Streetcar Investment Pts Ltd - công ty con của Diageo Singapore Private Limited, sở hữu 45,57%.
Có những đồn đoán trên thị trường rằng, việc đăng ký giao dịch trên UPCoM của Halico nhằm mục đích “khởi động” trước cho kế hoạch thoái vốn của một trong hai cổ đông lớn nêu trên. Kịch bản có xác suất xảy ra nhiều hơn là Habeco sẽ tiến hành thoái vốn và đối tác mua lại chính là Diageo.
Tuy nhiên, theo bản công bố thông tin đăng ký giao dịch trên UPCoM, Halico có mảng kinh doanh “sản xuất cồn, rượu và các loại đồ uống có cồn, không có cồn”, thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Do hiện nay chưa có quy định cụ thể của pháp luật có liên quan về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên, nên giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty tối đa theo quy định là 49%.
Theo đó, nếu kịch bản trên thực sự diễn ra, có thể diễn biến sẽ tương tự trường hợp thoái vốn nhà nước tại Sabeco - thành lập pháp nhân trong nước để tham gia mua cổ phần.