Nhà đầu tư e ngại
Kết thúc năm 2013, VAMC đã mua gần 39.000 tỷ đồng nợ xấu, song trong hai tháng đầu năm nay, việc mua nợ của VAMC dường như chững lại.
TS. Cấn Văn lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ (thuộc BIDV) nhận xét, nguyên nhân khiến trong 2 tháng đầu năm nay, VAMC chưa đẩy mạnh mua nợ là do tâm lý đầu năm, các ngân hàng chưa muốn mua, bán nợ. Hơn nữa, các ngân hàng đang phải rà soát lại nợ và lên kế hoạch bán nợ cho cả năm 2014. “Dự kiến, năm nay, VAMC sẽ mua thêm 70.000 - 100.000 tỷ đồng nợ xấu, cộng với số nợ xấu đã mua trong năm 2013 cần phải xử lý, thì khối lượng công việc mà VAMC cần làm trong năm 2014 phải tăng gấp đôi”, ông Lực nói và cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến VAMC chưa thể bán nợ nhanh.
Thứ nhất, khó xác định giá bán nợ, VAMC đã mua các khoản nợ với giá khá cao (70-75% giá trị khoản nợ).
Thứ hai, nhà đầu tư mua xong cũng không biết có bán được hay không, vì còn nhiều vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo.
Thứ ba, VAMC phải có thời gian để đưa ra phương án xử lý với từng món nợ, xem món nợ nào bán đi, món nợ nào cần tái cơ cấu… Trong khi đó, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài cho hay, họ rất quan tâm đến việc mua nợ của Việt Nam, song sẽ không mua nợ bằng mọi giá.
“Có khoảng 60 quỹ tư nhân đang muốn mua nợ xấu của Việt Nam. Cái mà chúng tôi quan tâm là, nợ xấu được bán với giá nào, có thị trường để bán lại hay không, Chính phủ có đứng ra xử lý được vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo không? Ở một số nước, Chính phủ thành lập một đơn vị trung gian giúp nhà đầu tư giải quyết các khúc mắc về tài sản đảm bảo. Để đẩy nhanh tiến độ bán nợ, Việt Nam cũng nên thành lập một tổ chức như vậy”, đại diện quỹ đầu tư này đề nghị.
VAMC thiếu tiền, vướng cơ chế
Không chỉ nhà đầu tư băn khoăn khi mua nợ, mà chính bản thân VAMC cũng gặp không ít khó khăn trong cả mua nợ lẫn bán nợ. Theo dự kiến, năm 2014, VAMC sẽ lên phương án mua nợ xấu theo giá thị trường, đồng nghĩa với việc VAMC phải có trong tay một lượng tiền mặt đáng kể. Tuy nhiên, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC khó có thể đứng ra vay vốn của các tổ chức quốc tế. Đây chính là lý do VAMC đang đề nghị được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.
Ông Lực cho rằng, đề nghị này của VAMC là hợp lý. Vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng của VAMC, chiếm khoảng 2% tổng nợ xấu của Việt Nam. Tại nhiều nước trên thế giới, công ty mua - bán nợ cũng chỉ có vốn điều lệ chiếm khoảng 4-4,5% tổng nợ xấu.
Vướng mắc thứ hai của VAMC trong bán nợ là thiếu các văn bản quy định liên quan đến mua, bán nợ, bán đấu giá tài sản và xử lý tài sản đảm bảo.
Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều ngân hàng đã kiện doanh nghiệp ra tòa để đòi tài sản thế chấp siết nợ. Tuy nhiên, ngay cả khi tòa án đã có phán quyết, thì nhiều ngân hàng vẫn không đòi được tài sản “siết nợ” của mình do cơ quan thi hành án bó tay.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC, một vướng mắc nữa là, thời gian qua, giá bất động sản giảm mạnh, có những tài sản đảm bảo nay bán đi không đủ trả nợ.
Được biết, hiện Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện thể chế mua - bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm cho VAMC. Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC mà Bộ Tư pháp vừa đưa ra lấy ý kiến, VAMC chỉ thực hiện việc bán đấu giá đối với các khoản nợ đã mua của các tổ chức tín dụng, nếu hai bên không có thỏa thuận về bán đấu giá, hoặc các khoản nợ có tài sản đảm bảo dưới 10 tỷ đồng. Trường hợp khoản nợ có tài sản đảm bảo trên 10 tỷ đồng, hoặc có thỏa thuận của các bên về xử lý tài sản đảm bảo bằng bán đấu giá, thì VAMC phải ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.n
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng ban hành các văn bản trên để VAMC có thể đẩy nhanh quá trình bán nợ, thu hồi nợ, bởi nợ xấu càng để lâu càng mất giá, chi phí xử lý càng tốn kém.