Quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với khu vực. Ảnh: Dũng Minh

Quy mô vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với khu vực. Ảnh: Dũng Minh

“Cửa” tăng vốn của ngân hàng hé mở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đã có những tín hiệu tích cực trong việc tăng vốn cho các ngân hàng, đặc biệt là khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, khi đã gặp khó khăn từ nhiều năm nay.

Tăng vốn: Nhu cầu bức thiết

Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 diễn ra vào ngày 8/1 vừa qua, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank tiết lộ, trong quý IV/2022, VietinBank đã được phê duyệt giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2021 để tăng vốn, tạo điều kiện nâng cao nguồn lực tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh bền vững.

Cũng trong những ngày đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định số 08/QĐ-NHNN về việc sửa đổi vốn điều lệ của SHB sau khi triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2022 theo sự chấp thuận của NHNN. Theo đó, Thống đốc NHNN quyết định sửa đổi Điều 2 - Giấy phép thành lập và hoạt động số 115/GP-NHNN ngày 3/11/2018 do Thống đốc NHNN cấp cho SHB với vốn điều lệ là gần 30.674 đồng. Trước đó, vốn điều lệ của SHB là 26.674 tỷ đồng.

Tương tự, NHNN cũng vừa có Quyết định số 1957/QĐ-NHNN và Quyết định số 1958/QĐ-NHNN về việc sửa đổi vốn điều lệ cho Nam A Bank và MSB, lần lượt là 8.464,3 tỷ đồng và 19.857,5 tỷ đồng.

Trước đó, những tháng cuối năm 2022, nhiều ngân hàng cũng dồn dập tăng vốn điều lệ và NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ cho gần 20 ngân hàng thương mại cổ phần. Đơn cử, LienVietPostBank được tăng vốn điều lệ thêm 5.255 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tối đa là 2.255 tỷ đồng và phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 3.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua tại Nghị quyết ngày 28/4/2022 và Hội đồng quản trị Ngân hàng thông qua tại Nghị quyết số 515/2022/NQ-HĐQT ngày 26/9/2022. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của LienVietPostBank sẽ tăng từ mức 15.035 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%.

Lý giải thêm về nhu cầu bức thiết phải tăng vốn của các ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực. Tính đến tháng 6/2022, xét các ngân hàng áp dụng Thông tư 41/2016, hệ số an toàn vốn của của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối giảm nhẹ so với cuối năm 2021, từ 9% xuống mức 8,9%. Ngược lại, các ngân hàng thương mại cổ phần tăng từ 11,9% lên 12%, nhưng vẫn tương đối thấp khi so sánh với các nước trong khu vực.

Cũng theo TS. Lực, chưa kể các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng toàn bộ hoặc một phần tiêu chuẩn Basel 3, trong khi các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel 2. Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực bởi các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh.

“Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, còn gặp nhiều khó khăn do thị trường vốn suy giảm, việc tìm kiếm nhà đầu tư ngoại khó hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, khâu phê duyệt cho phép giữ lại cổ tức nhà nước và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư tài chính kéo dài…”, TS. Lực nói.

Hướng tới Basel 3

Mức đệm vốn của các tổ chức tín dụng ở mức thấp làm hệ thống ngân hàng dễ bị tác động tiêu cực bởi các cú sốc bất lợi từ môi trường kinh doanh.

Quả vậy, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023 do NHNN tổ chức, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ, với quy mô tín dụng hiện tại, Agribank không còn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu theo quy định để tăng trưởng tín dụng.

“Vì vậy, trong năm 2022, tăng trưởng tín dụng của Agribank chỉ ở mức thấp so với mức bình quân toàn hệ thống. Theo đó, việc cấp vốn điều lệ cho Agribank là rất cấp thiết để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023 phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông. Chính phủ cần tạm ứng cấp vốn điều lệ cho Agribank 6.753 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng trong năm 2023”, ông Ấn kiến nghị.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cũng kiến nghị tiếp tục ưu tiên tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối trong bối cảnh quy mô vốn điều lệ, hệ số an toàn vốn của nhóm này còn ở mức rất khiêm tốn so với nhu cầu phát triển cũng như chuẩn mực quốc tế. Cụ thể, Chủ tịch Vietcombank đề xuất:

Thứ nhất, Vietcombank rất mong sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của các năm 2019 và 2020 sau khi trích lập các quỹ (nội dung này đã được NHNN và Bộ Tài chính thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ).

Thứ hai, trong năm 2023, Vietcombank dự kiến xin ý kiến NHNN để trình đại hội cổ đông tiếp tục tăng vốn điều lệ bằng cách sử dụng toàn bộ lợi nhuận tích lũy còn lại của năm 2021 và các năm trước (là nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ, NHNN và Bộ Tài chính đồng ý về chủ trương).

“Vietcombank rất mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, NHNN và các bộ, ban ngành liên quan trong quá trình báo cáo, giải trình và xin phê duyệt của Quốc hội”, ông Dũng nói.

Cũng trong vấn đề có liên quan, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục cho phép các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội để tăng nguồn lực tài chính, đảm bảo chỉ số an toàn vốn.

Ông Tú dẫn số liệu thống kê: “Hệ số CAR đến tháng 10/2022 các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là 9,04%; thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại cổ phần là 12,92%. Song, tỷ lệ này còn rất thấp so với các nước trong khu vực như Philipine là 16,29%; Singapore là 17,2%; Malaysia là 18,3%; Thái Lan là 19,3% và Indonesia là 23,3%”.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định: “Tăng vốn là nhu cầu cấp thiết của ngành ngân hàng trên con đường hướng tới Basel 3”.

Theo bà Hiền, các ngân hàng Việt Nam đã và đang cố gắng để cải thiện tỷ lệ an toàn vốn. Hệ số CAR đã ghi nhận sự cải thiện tích cực trong những năm gần đây, khi các ngân hàng đang từng bước tiến tới tiêu chuẩn Basel 3 và xây dựng một bộ đệm vốn vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel 2, trong đó 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel 3.

Cũng theo bà Hiền, những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và vốn hiệu quả hơn. Bởi nhìn lại, bộ đệm vốn của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn tương đối mỏng so với tiêu chuẩn quốc tế. Tỷ lệ CAR trung bình của Việt Nam hiện thấp hơn tương đối nhiều so với các ngân hàng trong khu vực. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân.

“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền trong giai đoạn 2023-2024 do nhu cầu tăng vốn là hết sức cấp thiết, đặc biệt tại các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối”, bà Hiền nhấn mạnh.

Tin bài liên quan