Nhà máy sản xuất của Deli Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh
Chờ đón tin vui
Dù không có dự án quy mô lớn, song việc Hải Dương vừa trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài ngay sau kỳ nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 có thể coi là một tin vui đầu năm đối với thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong số này, có thể kể đến các dự án sản xuất đồ chơi, văn phòng phẩm, điện gia dụng… của nhà đầu tư Korninghill Group Ltd (Hồng Kông), vốn đầu tư 3 triệu USD; hay dự án của nhà đầu tư Jia Ri Xing Ltd để sản xuất bộ đàm và các sản phẩm từ plastic, vốn đầu tư khoảng 4 triệu USD…
Trước đó, đầu tháng 1/2024, nhân sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương cũng trao hàng loạt giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư cho các dự án quy mô lớn, với tổng quy mô lên tới 1,5 tỷ USD. Trong đó, có thể kể đến các dự án như Nhà máy Sản xuất văn phòng phẩm của Công ty TNHH Công nghệ văn phòng Deli Việt Nam (270 triệu USD); Dự án của Công ty TNHH Sản xuất công nghệ Biel Crystal (260 triệu USD); hay Dự án Nhà máy Sản xuất tấm tế bào quang điện năng lượng mặt trời Boviet Hải Dương (120 triệu USD)…
Tất cả đang hứa hẹn Hải Dương tiếp tục có 1 năm thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, tỉnh này đã thu hút được hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Tuy đứng thứ 11 trong các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong năm qua, song đó vẫn là một sự tiến bộ vượt bậc. Năm 2022, Hải Dương chỉ thu hút được 370 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, xếp vị trí thứ 17.
Cùng thời điểm Hải Dương trao chứng nhận đầu tư cho các dự án mới, Thái Bình nhận tin Dự án Nhà máy Good Way Việt Nam (Đài Loan) chính thức khởi công tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Với tổng vốn đầu tư không lớn, chỉ 45 triệu USD, nhưng việc dự án này được khởi công, với mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm, thiết bị kết nối, thiết bị ngoại của máy vi tính, có thể cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp cho “ngôi sao mới” Thái Bình.
Vốn khá khiêm tốn trong thu hút đầu tư nước ngoài (con số trong năm 2022 chỉ là 307 triệu USD), Thái Bình đang vụt lên trở thành một điểm đến được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Năm 2023, Thái Bình thu hút được tới gần 2,8 tỷ USD, vượt lên đứng vị trí thứ 5 trong các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước.
Tương tự, năm 2023, Nghệ An cũng có sự bứt phá, với hơn 1,6 tỷ USD, đứng vị trí thứ 8. Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhiều lần tự hào cho biết, Nghệ An đang quy tụ tới 5 đại gia công nghệ, bao gồm Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng. Các nỗ lực xúc tiến đầu tư đang được tỉnh này thực hiện, với mục tiêu tiếp tục có mặt trong top 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước trong năm 2024.
“Chúng tôi đã và đang thực hiện 5 sẵn sàng để thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Đức Trung nói. 5 sẵn sàng đó chính là sẵn sàng về quy hoạch, sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu, sẵn sàng về mặt bằng đầu tư, sẵn sàng về nguồn nhân lực và sẵn sàng cải thiện thủ tục hành chính, môi trường đầu tư…
Cùng chung nỗ lực đó, các địa phương khác cũng tích cực xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án lớn. Tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đang tìm đến và lên kế hoạch đầu tư, cũng như mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
“Cửa” sáng cho Việt Nam
Những tín hiệu đầu năm là tích cực. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư cũng nhắc đến con số hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2024, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023 và con số giải ngân đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, để nhấn mạnh rằng, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan.
“Đây là con số rất tốt, cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2024, vốn đầu tư thực hiện có thể đạt khoảng 23,5 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2023. Nếu kịch bản này xảy ra, kỷ lục mới sẽ được thiết lập. Trong khi đó, với vốn giải ngân, con số được Cục Đầu tư nước ngoài dự ước khoảng 36-37 tỷ USD, tương đương năm 2023. Dù không có sự tăng tốc, song đây là một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu được dự báo tiếp tục chậm lại trong năm 2024. Đến ngay cả Trung Quốc thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã bị sụt giảm khá mạnh.
Con số vừa được công bố cách đây ít ngày, tổng vốn FDI vào Trung Quốc chỉ đạt 33 tỷ USD trong năm 2023, giảm khoảng 80% so với năm 2022. Như vậy, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp và chỉ bằng chưa đến 10% so với mức đỉnh 344 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2021.
Nếu vốn đầu tư nước ngoài không vào Trung Quốc, thì kỳ vọng dòng vốn này sẽ vào các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư mới, như bán dẫn, AI, công nghiệp công nghệ cao… Đây chính là lĩnh vực mà gần đây Việt Nam đang mong muốn thu hút đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang coi Việt Nam là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông tin gần đây cho biết, Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế được hưởng lợi từ Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ. Theo đạo luật này, Mỹ sẽ chi 500 triệu USD để cải tiến năng lực sản xuất chất bán dẫn, an ninh mạng và môi trường kinh doanh trên toàn cầu.
Trong một cuộc tọa đàm liên quan đến phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã kêu gọi phía Mỹ dành nguồn lực từ khoản 500 triệu USD này hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Cơ hội là rất lớn cho Việt Nam, bởi các dự án trong lĩnh vực bán dẫn hầu hết đều có quy mô lớn. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Tuấn, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho rằng, đầu tư vào bán dẫn là lĩnh vực đặc thù. Để thu hút đầu tư, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề về nhân lực, hệ sinh thái cung ứng.
“Các chính sách hỗ trợ đầu tư cũng là một vấn đề. Tại Dự án đầu tư ra nước ngoài mới nhất của TSMC ở Đức, phía Chính phủ Đức hỗ trợ tới 7 tỷ EUR trong tổng số 10 tỷ EUR đầu tư của dự án”, ông Lê Quang Tuấn nói.
Hiện nay, Việt Nam vẫn nỗ lực để tìm ra và xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư một cách hữu hiệu nhất cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả phương án hỗ trợ bằng tiền mặt. Tuy vậy, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài vẫn rất gay gắt và không dễ để Việt Nam thắng cuộc.