Thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance tại nhiều ngân hàng tiếp tục khả quan

Thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance tại nhiều ngân hàng tiếp tục khả quan

“Cửa ngách” duy trì lợi nhuận của các nhà băng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023, nhưng thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance (bán bảo hiểm) dự kiến tiếp tục tăng.

Lợi nhuận chịu sức ép bị xói mòn

Một báo cáo nghiên cứu của WiGroup vừa được công bố cho biết, đà tăng của nợ xấu đã chậm lại trong quý IV/2022, khi tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ tăng nhẹ, lên mức 1,61%. Nỗ lực kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng đang phát huy hiệu quả, nhưng dự phòng cho vay khách hàng giảm 11% so với quý liền trước, tập trung vào nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối, với quy mô xấp xỉ 25.700 tỷ đồng (giảm 22%), chủ yếu được dùng để xử lý các nhóm nợ xấu, đặc biệt là nhóm nợ cấp 5, tiêu biểu như tại BIDV và VietinBank.

Theo các chuyên gia của WiGroup, trừ nhóm ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro lớn hơn 100% gần như không thay đổi thì tỷ lệ các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) dưới 50% trong cơ cấu đã tăng gần 2,5 lần so với cuối năm 2021, chiếm 17%. Điều này cho thấy, số lượng các ngân hàng dễ bị tổn thương bởi nợ xấu đang tăng lên. Đây sẽ là nhóm vào diện rủi ro trong năm 2023, khi tình hình vĩ mô trở nên kém tích cực.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Chất lượng tài sản suy giảm tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023”.

Đồng quan điểm, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Khối Phân tích định chế tài chính, FiinGroup cho rằng, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về giãn nợ hết hiệu lực. Bên cạnh đó, rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, bao gồm chất lượng tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản suy yếu do tình trạng tắc thanh khoản và lợi nhuận lao dốc tại các doanh nghiệp ngành này.

Bất động sản là lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng, nên sự suy yếu của thị trường địa ốc sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

“Các khoản cho vay mua nhà hết thời hạn ưu đãi, đến hạn trả nợ gốc và lãi, trong bối cảnh thu nhập người dân suy giảm hậu Covid-19, nợ xấu chéo từ trái phiếu bất động sản. Đặc biệt, 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mại tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn”, bà Oanh nói.

Theo bà Oanh, các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao (từ cho vay, trái phiếu) sẽ đối mặt với áp lực trích lập dự phòng cao so với những ngân hàng thuần bán lẻ, điều này làm xói mòn lợi nhuận.

Ông Đào Phúc Tường, CFA, chuyên gia chứng khoán cho rằng, hiện tại, trích lập dự phòng cho nợ xấu là điểm tối rất khó để đánh giá. Nếu nhìn diễn biến tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong 2 năm qua, không khó để nhận thấy tỷ lệ của năm 2022 suy giảm nhiều so với năm 2021. Đối với năm 2023, nếu giá bất động sản tiếp tục giảm thì rủi ro các ngân hàng phải trích lập dự phòng cao lên, đây sẽ là thách thức không nhỏ, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

“Cứu cánh” từ phí dịch vụ

Ước tính, trong 63.100 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2022 của 26 ngân hàng thương mại chiếm 71% dư nợ tín dụng toàn hệ thống có gần 38% đến từ dịch vụ thanh toán và ký quỹ, 24,5% đến từ hoạt động hợp tác bảo hiểm bancassurance.

Bàn luận về động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng trong năm 2023, bà Oanh cho rằng, chi phí vốn tăng cao khiến biên lãi ròng (NIM) có thể thu hẹp trong nửa đầu năm và chỉ có thể cải thiện trong nửa cuối năm khi áp lực thanh khoản dịu đi, nhưng thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán và bancassurance sẽ trở thành nguồn thu nhập ổn định nhờ nỗ lực số hóa của ngân hàng và dư địa bán chéo lớn từ tập khách hàng ngày càng mở rộng.

Theo bà Oanh, mặc dù có sự giảm tốc nhất định do môi trường kinh doanh không thuận lợi cùng với xu hướng tín dụng trong năm qua, mảng thu nhập từ phí và hoa hồng đóng góp 11,4% thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, mở rộng 1% so với thời điểm trước dịch Covid-19 và duy trì đà tăng trưởng 2 con số, qua đó từng bước giúp ngân hàng giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, những ngân hàng làm tốt điều này là những ngân hàng đã đầu tư mạnh về công nghệ và sản phẩm nhiều năm qua.

Một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết: “Việc mở rộng hệ sinh thái với sự tham gia của OPES và VPBankS trong mảng bảo hiểm và chứng khoán trong năm 2022 hứa hẹn sẽ giúp VPBank đa dạng hóa nguồn thu, lấn sân sang các lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển như bảo hiểm phi nhân thọ, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản…”.

Tại Techcombank, thu nhập từ lãi năm 2022 đạt 30.300 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2021, chủ yếu nhờ tăng trưởng danh mục tín dụng với biên lãi thuần 5,1%. Đáng chú ý, thu nhập từ hoạt động dịch vụ năm 2022 tăng 24,8%, ghi nhận 9.700 tỷ đồng. Trong đó, thu phí từ dịch vụ thẻ hơn 1.980 tỷ đồng, tăng 83,5%; thu từ dịch vụ bảo hiểm hơn 1.750 tỷ đồng, tăng 12,3%; thu từ thư tín dụng hơn 2.016 tỷ đồng, tăng 154%.

“Thu nhập phí từ dịch vụ thanh toán kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ nỗ lực số hóa của các ngân hàng những năm gần đây. Những hợp đồng phân phối bảo hiểm mới được ký kết cùng với tập khách hàng ngày càng được mở rộng tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo”, bà Oanh nhận định.

FiinGroup ước tính, trong 63.100 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm 2022 của 26 ngân hàng thương mại chiếm 71% dư nợ tín dụng toàn hệ thống có gần 38% đến từ dịch vụ thanh toán và ký quỹ, 24,5% đến từ hoạt động hợp tác bảo hiểm bancassurance và 30,5% từ nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và các dịch vụ khác.

Trong diễn biến có liên quan, bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, Khối Nghiên cứu toàn cầu của HSBC cho hay, sự phục hồi vững chắc trong doanh số bán lẻ diễn ra gần như trên toàn khu vực ASEAN, mặc dù Indonesia có tốc độ chậm hơn. Doanh số bán lẻ tại Malaysia và Việt Nam đạt mức cao hơn khoảng 20% so với trước dịch Covid-19, tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Singapore, nơi doanh số bán lẻ đã phục hồi như mức trước khi đại dịch xảy ra.

“Sức mua của tiền lương ở Việt Nam không những không giảm, thậm chí còn tăng lên, tiếp thêm sự vững vàng cho nền kinh tế trong năm 2023. Tăng trưởng tiêu dùng có thể sẽ ở mức vừa phải vào năm 2023, nhưng ít nhất, đây vẫn là một trụ cột chính hỗ trợ cho tăng trưởng”, bà Yun Liu nói.

Tin bài liên quan