"Việt Nam an toàn"
Ngay trong những ngày dịch bệnh bùng phát, các tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự kiến 7,3%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, nếu khống chế dịch bệnh thành công trong nửa đầu năm 2020, GDP Việt Nam sẽ đạt 4,8% năm nay và hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021, đồng thời duy trì đà tăng trưởng cao này trong trung và dài hạn. Báo cáo “Viễn cảnh kinh tế thế giới” của Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá, Việt Nam có triển vọng tăng trưởng khả quan nhất khu vực ASEAN, dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 7% vào năm 2021.
Gần 1 tháng không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới nào trong cộng đồng, Việt Nam đã hiện thực hóa được những kỳ vọng và sự thán phục vẫn đang xuất hiện trên rất nhiều hãng truyền thông lớn nhất thế giới.
Sau dịch Covid-19, yếu tố an toàn đã kích thích nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào các dự án chất lượng cao, gắn với yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, sở hữu môi trường trong lành thay vì chắt bóp để ở trong những khách sạn, resort không đảm bảo về vệ sinh môi trường và an toàn cho sức khỏe của người già và trẻ nhỏ.
- Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương
Triển vọng lạc quan cùng thành quả từ thực tế của công tác phòng chống dịch đã mang lại niềm tin lớn cho nhà đầu tư. Với nhiều người, kỳ “ngủ đông” ngắn ngủi vừa qua chính là khoảng lùi cần thiết để họ nhận diện rõ hơn về thị trường, về các kênh đầu tư. Nhiều chuyên gia nhận định, tâm lý nhà đầu tư đã có những thay đổi, họ đang có xu hướng thận trọng hơn, an toàn hơn. Với việc chứng khoán diễn biến khó lường, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp nhất trong 10 năm qua, giá vàng trong nước cao hơn thế giới…, bất động sản đang được đánh giá là kênh đầu tư an toàn nhất và là nơi “trú ẩn” của dòng tiền.
Đặc biệt, dù là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất bởi dịch Covid-19 so với nhiều phân khúc, nhưng nếu tính về dài hạn, thị trường này có thể phục hồi nhanh chóng nhất khi nhu cầu du lịch bùng phát trở lại sau quãng thời gian bị "đè nén" do việc buộc phải ở nhà để hạn chế lây lan dịch bệnh. Việc khách du lịch trở lại đồng nghĩa không lúc nào tốt hơn để tiếp cận nguồn cung dồi dào với giá bán hấp dẫn, nhất là thị trường nghỉ dưỡng, như thời điểm này. Khi đó, các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm bắt đầu thanh lọc các khoản đầu tư ngắn hạn lướt sóng, tập trung vào các dự án đủ “chất” để dòng tiền ổn định trong và sau sóng “Cô Vy”.
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/4 cho thấy, trong tháng 4, Việt Nam đón 26.241 lượt khách quốc tế, con số này chỉ tương đương 2% cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 38%, với hơn 3,7 triệu lượt. Trong tháng 4, khách châu Á chiếm 95% tổng lượt khách quốc tế, trong khi 4 châu lục khác Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 1.300 lượt khách. Hầu hết các thị trường đều giảm mạnh và có thị trường gần như không có khách đến.
Tuy nhiên, rất may mắn thị trường du lịch nội địa ở Việt Nam đã bắt đầu “hồi sinh” trở lại ngay khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Điều này thể hiện rõ nhất qua kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, nhiều điểm đến đã đón hàng ngàn lượt khách tham quan, trải nghiệm.
Theo báo cáo của ngành du lịch Lâm Đồng, khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại TP. Đà Lạt trong kỳ nghỉ lễ vừa qua đạt 76.685 lượt (bằng 67,71% so với cùng kỳ - giảm 36.565 lượt). Trong đó, khách quốc tế đạt 2.099 lượt (bằng 27,22% so cùng kỳ - giảm 5.612 lượt), khách nội địa đạt 74.586 lượt (bằng 70,67% so cùng kỳ - giảm 30.953 lượt). Trong khi đó, tại Quảng Ninh, các bãi tắm Hạ Long và 2 bãi tắm du lịch trên địa bàn TP. Cẩm Phả khá đông đúc do thời tiết nắng nóng. Ước tính, riêng 2 bãi tắm của Cẩm Phả trong dịp nghỉ lễ vừa qua đón khoảng 3.000 khách.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel cho biết, hiện thị trường du lịch nội địa đang phục hồi với những xu hướng du lịch thay đổi. Cụ thể, du khách chuyển hướng chọn các tour ngắn ngày, đi đường gần thành phố với quãng đường dưới 300 km; thường đi theo nhóm nhỏ gồm các thành viên trong gia đình hoặc cá nhân. Đây có thể coi là sự thay đổi lớn sau khi dịch bệnh xảy ra. Vì trước đây, hầu hết các công ty du lịch chỉ tập trung vào xây dựng các tour trọn gói, đông người và du khách chủ yếu chọn đi du lịch nước ngoài.
Tương tự, các công ty lữ hành Saigontourist, Fiditour, TST tourist... cũng đã bắt tay triển khai và tung các sản phẩm mới ngay sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đa số các công ty du lịch đều tập trung vào nhóm khách nội địa, chùm tour ngắn ngày, quy mô vừa phải và theo nhóm gia đình. Ngoài ra, một số đơn vị còn cung cấp thêm các dịch vụ cho du lịch cá nhân, trải nghiệm những điểm mới xa thành phố… để du khách có thêm nhiều lựa chọn.
Dịch Covid-19 kết thúc, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi mạnh mẽ
Báo cáo mới công bố gần đây của Savills Việt Nam cho thấy, thị trường du lịch Trung Quốc chỉ mất khoảng sáu tuần để công suất trở lại mức 30% sau khi bị giảm mạnh vào giai đoạn trước đó. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào khách du lịch nội địa, đặc biệt là nhóm du khách trẻ. Và điều này cũng sẽ diễn ra tương tự đối với Việt Nam - 1 trong 20 quốc gia lọt Top thị trường "ngôi nhà thứ hai" mới nổi theo khảo sát của tờ Telegraph (Anh).
Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, chủ sở hữu và các nhà điều hành khách sạn sẽ đối mặt với giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới khi những yêu cầu của du khách sẽ cao hơn. Từ đó, đòi hỏi các nhà phát triển phải nâng cao sự sáng tạo và đổi mới để quản lý và tạo ra nguồn doanh thu mới.
Trong đó, sau dịch Covid-19, yếu tố an toàn đã kích thích nhu cầu đầu tư nhiều hơn vào các dự án chất lượng cao, gắn với yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, sở hữu môi trường trong lành thay vì chắt bóp để ở trong những khách sạn, resort không đảm bảo về vệ sinh môi trường và an toàn cho sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Lý do là việc các dự án này sẽ được du khách lựa chọn nhiều hơn cho các chuyến du lịch trải nghiệm của mình.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm khó khăn này cũng được coi là quá trình thanh lọc, nhà đầu tư sẽ lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, dự án có pháp lý, có tiềm năng về kinh doanh du lịch.
Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã nỗ lực tạo sự khác biệt trên thị trường như Vingroup, Sungroup, FLC, Novaland, Phú Long, MIK Group… bằng việc đầu tư những mô hình du lịch nghỉ dưỡng mới.
Chẳng hạn, Công ty Địa ốc Phú Long cùng chủ đầu tư Sài Gòn Sovico Phú Quốc giới thiệu L'Alyana Senses World quy mô 219 ha trên bãi biển Ông Lang. Điểm nhấn của dự án này chính là du lịch chăm sóc sức khoẻ, đón đầu xu hướng wellness tourism đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Cụ thể, chủ đầu tư này sẽ xây dựng trung tâm kiểm tra, quản lý sức khỏe và dưỡng sinh đỉnh cao theo công nghệ 4.0 có thể đưa ra hàng trăm chỉ số trong cơ thể chỉ trong vòng 4 giờ. Du khách sẽ được các chuyên gia tư vấn về chế độ chăm sóc sức khoẻ, ăn uống thực dưỡng dịch vụ thẩm mỹ kết hợp với liệu trình chăm sóc sắc đẹp toàn diện để sống vui, sống khoẻ, sống trẻ. Chủ đầu tư còn phát triển đất nông nghiệp để nuôi trồng gia súc, gia cầm và rau quả hữu cơ... cung cấp thực phẩm dưỡng sinh cho các nhà hàng để phục vụ du khách.
Tập đoàn Novaland lại chọn hướng phát triển một quần thể du lịch nghỉ dưỡng gắn với thể thao tại siêu dự án 1.000ha NovaWorld Phan Thiết. Khu du lịch này được chủ đầu tư phát triển với đầy đủ các tiện ích vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp cùng các giải đấu thể thao trong nước và khu vực... Các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ở đây được xem như ngôi nhà thứ hai, và có thể sử dụng đa mục đích với nhà đầu tư. Hướng đi này cũng tạo nên không gian trải nghiệm mới cho các du khách.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư còn có xu hướng mở rộng mô hình khai thác, chẳng hạn như tích cực trong việc phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch mới. Nổi bật là hình thức shophouse/shopvilla ven biển tại Phú Quốc và Hạ Long. Ngoài hình thức cho thuê bán lẻ, sản phẩm này còn có thể được sử dụng để làm khách sạn quy mô nhỏ (mini-hotel), nhờ đó đã thu hút nhiều đối tượng mua là những nhà đầu tư cá nhân đã có kinh nghiệm kinh doanh khách sạn/nhà hàng.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, điểm nổi bật của du lịch Việt Nam giai đoạn sắp tới là sự vào cuộc mạnh mẽ của các nhà đầu tư tư nhân trong phát triển hạ tầng, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch. Theo đó, ngành du lịch rất cần thêm nhiều sản phẩm đẳng cấp, các điểm đến hấp dẫn, các khu du lịch có thương hiệu mạnh với quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng chính là đòn bẩy tăng trưởng du lịch trong cả nước và địa phương thời gian qua.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com