Giải mã cú bứt tốc ngoạn mục
Lâu nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) luôn lép vế trước khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành hàng năm. Thế nhưng, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn, lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam, giá trị TPDN huy động được trong năm 2018 cao hơn so với giá trị TPCP huy động thành công.
Số liệu cập nhật của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, tổng giá trị TPDN phát hành thành công trên thị trường sơ cấp trong năm 2018 là 224.000 tỷ đồng, tăng tới 94,5% so với năm 2017. Trong năm này, lượng TPCP phát hành qua đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chỉ đạt 192.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính của sự bứt tốc ngoạn mục này, theo vị lãnh đạo trên, là do các ngân hàng tham gia phát hành trái phiếu tăng mạnh trong năm qua, thay vì đa phần nhà phát hành chỉ tập trung ở một vài doanh nghiệp lớn như các năm trước.
"Những năm trước đây, vì lượng TPDN niêm yết không nhiều, nên các ngân hàng dù muốn tham gia đầu tư nhưng vẫn e ngại do loại trái phiếu này không được coi là chứng khoán, dẫn đến không được đưa vào danh mục kinh doanh (không bị trừ room tín dụng), mà phải đưa vào danh mục đầu tư. Tuy nhiên, gần đây, số lượng TPDN niêm yết tăng, nên khi tham gia đầu tư sản phẩm này, các ngân hàng được đưa vào danh mục kinh doanh. Sức cầu tăng đã tiếp sức cho hoạt động phát hành", vị phó tổng giám đốc ngân hàng nói.
Quan sát thị trường cho thấy, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng an toàn vốn theo chuẩn Basel II, trong năm qua, nhiều ngân hàng đã huy động lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu. Trong năm 2018, nhiều ngân hàng đã gọi vốn thành công qua kênh trái phiếu như như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB…
Đơn cử, chỉ tính riêng trong tháng 12/2018, BIDV đã phát hành thành công 4.585 tỷ đồng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu trơn, không có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, toàn bộ lượng trái phiếu này BIDV phát hành ra công chúng, thay vì lâu nay đa phần các đợt phát hành TPDN, nhất là khối lượng lớn, thường thành công với phương thức phát hành riêng lẻ.
Bên cạnh khối ngân hàng và các doanh nghiệp niêm yết lớn, thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán cũng thành công trong gọi vốn qua trái phiếu như Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán SSI (SSI)…
Dưới góc nhìn của một chuyên gia thuộc Bộ Tài chính, việc TPDN huy động thành công tăng mạnh trong năm qua còn do bối cảnh kinh tế tích cực, làm tăng nhu cầu huy động vốn từ phía doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản được kiểm soát chặt hơn, các doanh nghiệp ngành này có xu hướng gia tăng gọi vốn qua kênh trái phiếu. Tương tự, các tổ chức tín dụng có nhu cầu tăng vốn để đáp ứng yêu cầu Basel II cũng tìm đến trái phiếu. Đó là chưa kể, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành dịch vụ - du lịch tăng huy động vốn qua trái phiếu, góp phần đa dạng hóa nhà phát hành, làm tăng lượng vốn huy động thành công qua kênh này…", vị chuyên gia trên nói.
Về phía nhà phát hành, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc SSI cho rằng, giá trị vốn huy động qua kênh TPDN gần đây dù tăng mạnh, nhưng trong tổng lượng TPDN hiện tại, đa phần vẫn tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư nắm giữ lượng trái phiếu này chủ yếu là các ngân hàng... cho thấy, nhà phát hành và nhà đầu tư trên thị trường TPDN vẫn chưa thực sự đa dạng.
Thêm vào đó, so với lượng vốn tín dụng tài trợ cho doanh nghiệp, lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu mà doanh nghiệp huy động thành công còn rất khiêm tốn. Điều này vừa thể hiện sự phát triển của thị trường TPDN mới ở giai đoạn đầu, vừa cho thấy dư địa để phát triển thị trường còn rộng mở.
Thêm giải pháp mở rộng thị trường TPDN
Liên quan đến giải pháp phát triển thị trường TPDN năm 2019 cũng như giai đoạn tới, chia sẻ tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) mới đây, bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Thị trường tài chính, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đang thúc đẩy triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường TPDN từ năm 2019 để trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, theo kế hoạch sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay có nhiều nội dung cải tiến, đổi mới. Đầu tiên là gắn quy trình phát hành trái phiếu ra công chúng với bắt buộc phải xếp hạng định mức tín nhiệm.
Thứ hai là tách quy trình về điều kiện, hồ sơ giữa phát hành trái phiếu ra công chúng với phát hành cổ phiếu, để tạo thuận lợi cho phát hành trái phiếu ra công chúng…
Riêng hoạt động phát hành riêng lẻ TPDN chỉ hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp. Theo đó, chỉ các nhà đầu tư này được mua, bán, giao dịch với nhau.
Trong năm nay, thực hiện Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ rà soát toàn bộ các chính sách liên quan tới đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có chính sách đầu tư vào TPDN, trên cơ sở đó sẽ có những sửa đổi theo hướng ưu tiên đầu tư vào TPDN được xếp hạng tín nhiệm cao...; tập trung phát triển các định chế trung gian và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hàng tín nhiệm tại Việt Nam; tiếp xúc, trao đổi với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế để hình thành thị trường xếp hạng tín nhiệm...
“Để đưa nhiều nội dung mới của Nghị định 163/2018 về phát hành TPDN vào thực tế, Bộ Tài chính có kế hoạch tổ chức chuỗi hội nghị tuyên truyền rộng rãi. Đây là kênh để cơ quan quản lý trao đổi với doanh nghiệp phát hành, cũng như nhà đầu tư về các giải pháp phát triển thị trường. Cơ quan quản lý còn tăng cường giám sát về phát hành, phân phối TPDN, để kịp thời phát hiện, từ đó cảnh báo cho nhà đầu tư những rủi ro…
Ngoài nỗ lực của nhà quản lý, trên cơ sở Nghị định 163/2018, theo lộ trình phát triển thị trường trong năm nay, chúng tôi mong muốn VBMA chủ trì ban hành sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn về phát hành trái phiếu, cũng như triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…”, bà Tâm cho hay.
Dư nợ thị trường TPDN tương đương 8,6% GDP
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trong năm qua, hầu hết các thương vụ phát hành TPDN đều được thực hiện dưới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, với khối lượng đăng ký phát hành là 427.000 tỷ đồng, trong đó khối lượng phát hành thành công là 224.000 tỷ đồng, tăng 94,5% so với năm 2017. Dư nợ thị trường TPDN vào cuối năm 2018 đạt 474.000 tỷ đồng, bằng 8,6% GDP năm 2018 và tăng 53% so với cuối năm 2017.
Năm 2018 ghi nhận 107 thương vụ phát hành TPDN của các công ty niêm yết. Trong đó, các tổ chức phát hành chủ yếu đến từ các ngành bất động sản, ngân hàng, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu. Phần lớn TPDN đều được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Trong năm 2018, HOSE đã cấp quyết định niêm yết cho 14 loại trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng TPDN được đưa vào giao dịch tăng khoảng 70% so với năm 2017.
Với cơ chế mới cho phát triển thị trường TPDN tại Nghị định 163/2018, sẽ góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch của việc huy động vốn dưới hình thức phát hành TPDN, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia giao dịch TPDN.
Hy vọng năm 2019 sẽ có công ty định mức tín nhiệm
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký VBMA.
Với hơn 200.000 tỷ đồng được huy động qua kênh TPDN trong năm 2018, vượt cả giá trị phát hành TPCP, đã thể hiện bước phát triển mới của thị trường TPDN. Nay với nhiều quy định mới tại Nghị định 163/2018, sẽ tiếp sức cho thị trường phát triển chuyên nghiệp, có chiều sâu hơn trong thời gian tới.
Một trong những giải pháp để góp phần thúc đẩy thị trường TPDN phát triển là hình thành công ty định mức tín nhiệm. VBMA kêu gọi các hội viên kết nối với các tổ chức nước ngoài để thành lập định chế này. Trong năm 2018, VBMA đã thảo luận với một số đối tác về hướng thành lập công ty định mức tín nhiệm, nhưng chưa thành công. Chúng tôi đang thảo luận với một số đối tác tiềm năng, nên hy vọng năm 2019 sẽ có công ty định mức tín nhiệm.
Ở Việt Nam chưa có khung pháp lý về mô hình trung tâm định giá trái phiếu tập trung, đặc biệt là TPDN, trong khi hầu hết các nước trong khu vực đều có như Thái Lan, Malaysia, Philippines… Chúng tôi đã xúc tiến làm việc với các đối tác trong khu vực để tìm hướng hình thành cơ chế này, nhưng do một số khó khăn nên đến nay chưa thành công. Nỗ lực này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.