Huy động vốn 2019 từ cổ đông thấp nhất nhiều năm
Báo cáo Kinh tế vĩ mô và TTCK Việt Nam 2020 do khối phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thực hiện tháng 1/2020 cho biết, trong năm 2019, giá trị phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp trên TTCK là 60.875 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2018 và cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2014 - 2017.
Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu là nhờ sự đột biến từ một vài thương vụ phát hành riêng lẻ như VIC phát hành cho SK Group, BID phát hành cho KEB Hana Bank, BVH phát hành cho Sumitomo Life. Trong khi đó, các hoạt động huy động vốn khác như phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), phát hành cho cổ đông hiện hữu... giảm mạnh
Cụ thể, hoạt động phát hành quyền mua cổ phiếu cho cổ đông trong năm 2019 chỉ đạt 8.879 tỷ đồng, giảm 31,3% so với năm 2018, giảm một nửa so với năm 2017 và là mức thấp nhất kể từ năm 2014. Hoạt động IPO ảm đạm hơn, tổng giá trị phát hành chỉ đạt 658 tỷ đồng, chưa bằng 1% năm 2018.
Không chỉ giảm mạnh về số thương vụ phát hành và giá trị huy động, mà nhiều đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông có tỷ lệ thành công khá thấp.
Doanh nghiệp phải tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài để phân phối riêng lẻ lượng cổ phiếu do cổ đông bỏ quyền mua.
Chẳng hạn, trong đợt chào bán 11,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông tháng 11/2019 của Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú (APC), chỉ có hơn 8,1 triệu cổ phiếu, chiếm 69% số dự kiến phát hành được mua. Cổ đông mua cổ phần chào bán hầu như chỉ đến từ cổ đông lớn, cổ đông nội bộ.
Tại Công ty cổ phần Nhựa Pha Lê (PLP), trong đợt chào bán 15 triệu cổ phần cho cổ đông tháng 4/2019, chỉ có 7,67 triệu cổ phiếu được mua.
Trong đó, tỷ lệ thực hiện quyền của cổ đông trong nước là 59,96%, cổ đông ngoại là 0%. Dù tiếp tục chào bán riêng lẻ lượng cổ phần ế, nhưng tổng cộng, PLP cũng chỉ bán thành công 8,5 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 56,7% lượng chào bán.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp thậm chí đã lên kế hoạch tăng vốn từ đầu năm 2019, nhưng đến hết năm vẫn chưa thực hiện được.
Trường hợp Công ty cổ phần Sam Holdings (SAM), phương án tăng vốn điều lệ lên 3.500 tỷ đồng đã được thông qua từ kỳ họp Đại hội đồng cổ đông 2018, nhưng trong năm 2019 mới chỉ phát hành 7,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 2.560 tỷ đồng, phần chào bán tăng vốn cho cổ đông chưa triển khai.
Nguyên nhân chính của tình trạng gọi vốn từ IPO, bán cổ phần ra công chúng ảm đạm được đánh giá là do điều kiện thị trường khó khăn.
Dù VN-Index tăng trưởng trong năm 2019, nhưng mức tăng 7,7% khá khiêm tốn, nhất là khi kết quả này chủ yếu đến từ sự bứt phá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi trên toàn thị trường, số mã cổ phiếu giảm giá chiếm tỷ lệ nhiều hơn.
Mặt khác, thanh khoản trên thị trường giảm mạnh. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá trị giao dịch trung bình năm 2019 giảm 26,7% so với năm 2018.
Nếu không tính cổ phiếu ROS của Công ty cổ phần FLC Faros, thanh khoản thực tế giảm khoảng 34%.
Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận khó khăn khiến nhà đầu tư e ngại giải ngân, ngay cả khi giá chào bán thấp hơn thị giá do lo ngại lượng cung tăng, hiệu ứng pha loãng dẫn tới giá giảm khi cổ phiếu phát hành về tài khoản.
Như trường hợp APC, thị giá cổ phiếu giảm hơn 40% trong năm 2019. Đến thời điểm hết hạn nộp tiền thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, thị giá cổ phiếu thấp hơn giá chào bán 20%.
Hay giá cổ phiếu CEO của Công ty cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO) từ vùng 10.500 - 11.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn giá phát hành khi chốt danh sách chào bán đã giảm xuống quanh mệnh giá khi cổ phiếu phát hành được đưa vào giao dịch và đến cuối năm 2019 xuống thấp hơn mệnh giá.
Với cổ phiếu NRC của Công ty cổ phần Bất động sản Netland, thị giá giảm gần 50% trong 1 năm qua, hiện xuống dưới mệnh giá, thấp hơn mức giá phát hành cho cổ đông trong năm 2019.
Cuối năm 2019, Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) đã chốt danh sách chào bán 24,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông, với thời gian nộp tiền dự kiến đến 15/1/2020, sau đó thông báo kéo dài thời gian nộp tiền thực hiện quyền mua đến ngày 7/2/2020 và mới đây tiếp tục gia hạn đến ngày 28/2/2020 để “đảm bảo đợt phát hành thành công”.
Hiện thị giá cổ phiếu LCG chỉ trên 7.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 30% giá chào bán.
Cơ hội huy động vốn 2020
VN-Index khởi đầu năm 2020 với mức P/E trượt (trailing P/E) là 15,9 lần, thấp nhất kể từ tháng 2/2019.
Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI trong Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam tháng 1/2020 cho rằng, với mức định giá tương đối hấp dẫn và chỉ số đi ngang trong một thời gian dài, TTCK sẽ có nhiều cơ hội hơn khi bước sang năm mới.
Kinh tế tăng trưởng ổn định, giải ngân đầu tư công tăng tốc, xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ về mặt định giá cũng như tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp và cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài được báo cáo của SSI nhận định là những yếu tố nền tảng đem đến kỳ vọng cho thị trường trong năm 2020.
Đánh giá thấp khả năng VN-Index giảm sâu dưới vùng 950 điểm, sau một thời gian tích lũy, các yếu tố hỗ trợ trong nước cộng hưởng với các yếu tố hỗ trợ bên ngoài, kỳ vọng chỉ số sẽ có mức tăng trưởng cao hơn với nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Đó là kịch bản được nhiều phân tích, dự báo cho thị trường trước thềm năm 2020, qua đó đem đến cơ hội sáng hơn cho việc gọi vốn của các doanh nghiệp, nhất là với các phương án phát hành tăng vốn chủ sở hữu, có nhiều lợi thế hơn hoạt động đi vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu.
Vậy nhưng, diễn biến thị trường sau Tết âm lịch đã đi theo kịch bản ít ngờ tới khi bay hàng tỷ USD vốn hóa chỉ sau ít phiên giao dịch, bởi lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến triển vọng tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 là không thể tránh khỏi, dù đến nay chưa thể lượng hóa đầy đủ và cả nước đang nỗ lực phòng chống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nhiều tổ chức phân tích đã đưa các dự báo hạ triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2020, với nhiều kịch bản, tùy theo thời gian kéo dài của dịch bệnh.
Thị trường khó, tâm lý nhà đầu tư e ngại, dòng tiền vào thị trường suy yếu cùng thị giá cổ phiếu suy giảm tất yếu sẽ ảnh hưởng đến triển vọng gọi vốn của doanh nghiệp.
“Cú sốc” xảy ra đầu năm sẽ khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại bài toán dòng vốn, kế hoạch kinh doanh, lên các giải pháp ứng phó với thách thức.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hồi phục, cơ hội gọi vốn sẽ sáng trở lại.
Thống kê diễn biến của TTCK toàn cầu qua các đợt dịch bệnh cho thấy, trong khoảng thời gian dịch bắt đầu bị kiềm chế, chỉ số chứng khoán thường tăng trung bình 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng.
Thực tế trên thị trường Việt Nam, sau giai đoạn giảm mạnh (VN-Index giảm từ trên 990 điểm xuống dưới 930 điểm), tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn.
Dòng tiền bắt đáy nhập cuộc tại nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, giúp VN-Index hồi phục và duy trì ở vùng trên 930 điểm trong suốt 3 tuần qua. Thậm chí, có những cổ phiếu tăng giá qua cả mức giá trước đợt khủng hoảng.
Tuy vậy, thị trường phục hồi không đồng nghĩa với cơ hội gọi vốn trải đều. Trong những năm qua, có những doanh nghiệp báo lãi đột biến để tăng vốn, sau đó trở lại chu kỳ kinh doanh thua lỗ, thậm chí bị nghi ngờ tăng vốn ảo, dùng tiền tăng vốn không như kế hoạch, khiến cổ đông, nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn.
Để thuyết phục nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, việc đưa ra vùng giá chào bán có mức chiết khấu cao so với thị giá cổ phiếu là chưa đủ, quan trọng hơn là doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin về sự minh bạch, có kế hoạch sử dụng vốn, đầu tư hiệu quả trên cơ sở uy tín và cam kết trách nhiệm của người đứng đầu.