Cua dừa rất tò mò. Ảnh: Newsweek.
Annabel Dorrestein, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở Đại học Tây Sydney nghiên cứu dơi quạ trên đảo Giáng Sinh, cách vùng đất liền Australia khoảng 1.545 km về phía tây bắc.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Dorrestein thường xuyên bị gián đoạn bởi những con cua dừa tìm cách lấy trộm thiết bị.
"Chúng luôn quấy rầy kể từ khi tôi bắt đầu chương trình tiến sĩ", Dorresteinn chia sẻ. "Chúng tha camera đi. Khi tôi kịp nhìn thấy và đuổi theo, chúng thả ra và tôi lấy lại được thiết bị. Nhưng lần này thì không", Dorrestein kể lại.
Sự việc xảy ra lúc Dorrestein dựng camera chụp ảnh nhiệt trên giá đỡ để ghi hình dơi quạ ở cây xoài. Khi cô quay lại, chiếc camera trị giá 4.000 USD đã biến mất. Giá đỡ bị đổ và có dấu càng cua ở chỗ nối camera với bộ pin.
"Một con cua dừa lớn đã giật camera khỏi ống ngắm và cắt nham nhở dây điện để tha thiết bị vào rừng. Chúng tôi đã tìm kiếm suốt nhiều giờ ở mọi ngóc ngách và tìm thấy rất nhiều cua dừa lớn trốn khắp mọi nơi, nhưng không con nào quắp theo camera của tôi", Dorrestein chia sẻ.
Rob Muller, cán bộ lâm nghiệp ở Vườn quốc gia đảo Giáng sinh, cho biết cua dừa nổi tiếng tò mò và có thói quen tha đồ vật của con người.
Do có khứu giác vô cùng nhạy bén, chúng có thể lần mò tới khắp mọi nơi. Nếu bị thứ gì kích thích trí tò mò, cua dừa sẽ tha đi.
Cua dừa (Birgus latro) là động vật không xương sống trên cạn lớn nhất hành tinh, có sải chân dài tới 102 cm và nặng 4,5 kg.
Phân bố trên vài hòn đảo ở tây nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, loài cua này có thể sống khoảng 80 năm và chuyên dùng cặp càng đồ sộ để tách vỏ quả dừa với lực tác động lên tới 3.300 newton.