Cú tung hàng của SCIC sẽ “làm nóng” TTCK

Cú tung hàng của SCIC sẽ “làm nóng” TTCK

(ĐTCK) Giới chuyên gia nhìn nhận, việc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) triển khai lộ trình thoái vốn mới, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, “làm nóng” TTCK.

Giải tỏa lượng lớn cổ phiếu bị “nhốt”

Theo ghi nhận của ĐTCK, câu chuyện SCIC thoái vốn trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi tại sàn giao dịch các CTCK trong hai phiên giao dịch vừa qua.

Nếu như khi mới tiếp nhận thông tin, NĐT tỏ ra thận trọng, thậm chí có phần lo ngại tác động không lành mạnh một khi SCIC liên tiếp tung hàng ra thị trường, thì sau khi nhìn nhận thấu đáo hơn lộ trình cũng như phương thức thoái vốn của SCIC, NĐT nhận thấy, TTCK sẽ nhận được tác động tích cực cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.

“Khi tiếp nhận thông tin ban đầu, NĐT đã chịu áp lực, dao động giữa việc nắm giữ hay bán các cổ phiếu có trong danh mục mà SCIC sẽ thoái vốn trong thời gian tới”, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG) nói và cho biết, tuy nhiên, quyết định bán đã không được NĐT đưa ra, nên thị trường vẫn diễn biến tích cực trong hai phiên gần đây.

Trái ngược với tâm lý quan ngại ban đầu, hiện NĐT nhìn thấy khía cạnh tích cực rõ nét hơn từ lộ trình thoái vốn của SCIC.

Cú tung hàng của SCIC sẽ “làm nóng” TTCK ảnh 1

Nhiều khả năng SCIC sẽ không thoái vốn thông qua giao dịch khớp lệnh trên sàn

Lý do là bởi SCIC là cổ đông lớn của nhiều DN niêm yết, trước khi thực hiện quyết định chuyển nhượng, SCIC sẽ công bố thông tin ra thị trường, nên sẽ không có chuyện tăng cung đột ngột mà NĐT không lường được trước.

Hơn nữa, là cổ đông lớn, nên việc thoái vốn của SCIC tại các DN làm ăn hiệu quả sẽ khó diễn ra theo kiểu giao dịch thông thường của NĐT nhỏ lẻ, mà thực hiện theo hình thức giao dịch thỏa thuận, hoặc đấu giá công khai, nên sẽ khó tạo ra áp lực tăng cung cho thị trường.

Đặc biệt, một hiệu ứng tích cực khác cho thị trường, theo ông Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, CTCK Sài Gòn (SSI), là khi SCIC thoái vốn sẽ làm tăng lượng hàng hóa có chất lượng được giao dịch trên thị trường.

Thực tế, một lượng lớn cổ phiếu hiện do SCIC nắm giữ hầu như không được giao dịch trên thị trường. Điều này làm giảm tỷ lệ cổ phiếu được tự do chuyển nhượng của khá nhiều DN. Do vậy, việc thoái vốn của SCIC tại những DN này sẽ giúp một lượng lớn cổ phiếu đang bị “nhốt” được tự do chuyển nhượng, nên sẽ góp phần tăng tính thanh khoản cho chính cổ phiếu này, cũng như thị trường.

Khi thanh khoản tăng lên, một lợi ích khác mà NĐT nhận được là thị giá cổ phiếu sẽ phản ánh sát hơn giá trị thực của DN, thay vì tình trạng cổ phiếu bị “nhốt” như hiện tại khiến thị giá nhiều cổ phiếu đang phản ánh méo mó giá trị thực của DN. Điều này sẽ giúp NĐT giảm thiểu rủi ro khi tham gia thị trường, đồng nghĩa với việc tăng tính hấp dẫn cho TTCK.

 

Kỳ vọng cú hích khối ngoại

Cùng với thông tin dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, dự kiến sắp được ban hành, khối ngoại đón nhận thông tin về lộ trình thoái vốn của SCIC, theo ông Bích là tích cực, bởi một bức bối lớn lâu nay mà khối này đang gặp phải sắp được tháo gỡ.

Đó là việc sẽ có cơ hội được mua thêm cổ phiếu của nhiều DN tốt hiện đã cạn room như: FPT, BMP, NTP… Mặt khác, với tư cách là cổ đông lớn tại nhiều DN và vì nhiều lý do khác, khi thoái vốn, nhiều khả năng SCIC sẽ không giao dịch theo phương thức khớp lệnh qua sàn, mà chọn giao dịch thỏa thuận, một hình thức giao dịch ưa thích, phù hợp với mục tiêu trở thành cổ đông lớn tại nhiều DN tốt của NĐT nước ngoài, nhất là NĐT tổ chức.

Diễn biến từ thị trường cho thấy, NĐT nước ngoài nhận diện rõ nét yếu tố tích cực từ tính đồng bộ của quyết tâm gia tăng thu hút dòng vốn ngoại lành mạnh cho TTCK của Chính phủ Việt Nam, thông qua hai động thái có mối liên hệ khá chặt chẽ như trên. Đây là cơ sở để giới chuyên gia dự báo, TTCK sẽ chứng kiến cú hích từ khối ngoại khi yếu tố tăng room và việc thoái vốn của SCIC được triển khai trên thực tế trong thời gian tới.

Điều này sẽ đem lại nguồn sinh khí mới cho sự phát triển của TTCK, sau hàng chục năm không có những chính sách được dự báo là có đủ tầm tạo ra thay đổi lớn cả trên phương diện thu hút dòng vốn ngoại, lẫn cải thiện tính thanh khoản cho thị trường như Đề án tái cơ cấu SCIC vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một quyết sách quan trọng nữa mà thị trường, đặc biệt là khối ngoại, đang nóng lòng chờ đợi Thủ tướng phê duyệt là dự thảo quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg.     

>>  Giải mã danh mục đầu tư bất ngờ của SCIC

>>SCIC lập công ty chứng khoán là hợp lý

>>Khó dự đoán về diện mạo mới của SCIC