Thua lỗ, âm vốn chủ
VMG Media từng nổi lên trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và thương mại điện tử với trang Lingo.vn và VNPT Epay. Thời hoàng kim, công ty này từng lọt Top 40 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam do Vinasa bình chọn (năm 2015) và là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực nội dung số.
Hiện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ số, như dịch vụ SMS cho doanh nghiệp, phân tích dữ liệu cho các nhà mạng... Trong đó, mảng SMS Branchname đóng góp khoảng 60% doanh thu và 35% lợi nhuận.
Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, doanh nghiệp này liên tiếp vướng vào các vụ tranh chấp, đặc biệt là vụ kiện từ phía Global Payment Server/UTC Investment (GPS/UTC) liên quan đến hợp đồng bán cổ phần của Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT Epay) vào năm 2016, với giá trị 519 tỷ đồng.
Thương vụ mua lại VNPT Epay của UTC Investment nằm trong làn sóng đầu tư mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2017. GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC đến từ Hàn Quốc. Nhưng sau đó, các quỹ ngoại cho rằng, VMG Media đã không trung thực về tình hình tài chính của Epay, hoạt động của Epay bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật, do đó, đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua cổ phần của doanh nghiệp. Đối tác này đã kiện VMG Media ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC).
Phán quyết số 186 năm 2019 (ARB186/19/TLN) ngày 14/10/2019 của SIAC đã yêu cầu VMG phải chịu trách nhiệm bồi thường cho GPS/UTC số tiền 755,8 tỷ đồng do các hoạt động của EPay vi phạm pháp luật Việt Nam khi thực hiện nâng khống 49 tờ hóa đơn với tổng giá trị hơn 657,2 tỷ đồng (theo kết luận của Bản án số 55/2018/HS-ST) ngày 30/11/2018 của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ). Trong đó, VMG Media có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền 626 tỷ đồng tại thời điểm ngày 21/10/2021. Cùng với đó, VMG Media phải chịu mức lãi suất 5,33%/năm cho khoản bồi thường kể từ ngày 21/10/2021 cho tới thời điểm thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường cho GPS/UTC.
Việc trích lập dự phòng phải trả cho thương vụ trên khiến VMG Media ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 696,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 205,87 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022. Cùng với việc nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn, đơn vị kiểm toán đã đặt ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VMG Media.
Ngày 8/4/2022, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Hà Nội không công nhận phán quyết số 186 năm 2019 của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore. Tuy nhiên, theo quy định tố tụng, GPS/UTC còn có quyền kháng cáo.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 (lần 2) tiến hành vào giữa tháng 9 vừa qua, nhiều cổ đông đặt câu hỏi xung quanh hướng giải quyết vụ kiện Epay và chi phí theo đuổi vụ kiện. Tuy vậy, câu trả lời từ phía lãnh đạo VMG Media chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều cổ đông.
Nhiều chất vấn
Vụ tranh chấp với GPS/UTC là một trong những rủi ro lớn của VMG Media. Sau khi có quyết định của Trung tâm Trọng tài Quốc tế, VMG Media còn phải tuân theo các bước công nhận/bác bỏ bản án tại Việt Nam. Giả định bản án được công nhận hoàn toàn, Công ty thua lỗ lớn do hạch toán khoản tiền bồi thường này.
Tại ngày 30/6/2022, VMG Media ghi nhận lỗ luỹ kế 696,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 205,87 tỷ đồng.
Trên báo cáo tài chính bán niên hợp nhất soát xét, VMG Media đã trích lập dự phòng 842 tỷ đồng đối với nghĩa vụ phát sinh do vi phạm các điều khoản bảo hành trong hợp đồng với GPS và UTC. Số tiền cao hơn nhiều so với khoản thu được ban đầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực tài chính của Công ty.
Trong khi đó, vài năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Công ty liên tục đi xuống. Nếu như năm 2020, doanh thu của VMG Media đạt 3.371,3 tỷ đồng thì năm 2021, chỉ tiêu này đã giảm hơn 50%, xuống còn 1.525,5 tỷ đồng. 1.525,5 tỷ đồng, tương đương mức giảm hơn 50%. Sáu tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của VMG Media đạt hơn 806,2 tỷ đồng. Đáng nói, việc sụt giảm doanh thu của VMG Media đến từ chính các dịch vụ thế mạnh nhiều năm như SMS Brandname; dữ liệu, mã thẻ/topup...
Ngoài những rắc rối liên quan đến vụ kiện của đối tác Hàn Quốc, nhiều cổ đông cũng đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa VMG Media và iMedia, một công ty đang vươn lên rất mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số và từng là công ty con của VMG Media. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 3/2012, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 6 tỷ đồng và thường xuyên đóng góp từ 30 - 40% doanh thu cho VMG Media. Tuy nhiên, từ tháng 7/2021, sau đợt tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng, tỷ lệ nắm giữ của VMG tại iMedia xuống chỉ còn 6,12% do Hội đồng quản trị Công ty quyết định không tham gia góp vốn.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, cổ đông VMG Media đã chất vấn Hội đồng quản trị Công ty về quyết định này. Theo đó, các dịch vụ kinh doanh chính của iMedia lại có nhiều điểm tương đồng với VMG Media. Chưa kể, trong khi Hội đồng quản trị VMG Media giải thích lý do không góp thêm vốn vào iMedia “vì một số thành viên Hội đồng quản trị lo ngại bối cảnh vụ kiện đang căng thẳng (vụ kiện liên quan đến VNPT Epay ở Toà án Singapore) nên không thể tiêu tốn nguồn lực của VMG
Media vào công ty khác” thì ông Trần Bình Dương - thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VMG Media - đã xác nhận trước đại hội về việc bản thân đang nắm giữ "khoảng 30% vốn iMedia" cùng chức Chủ tịch Hội đồng quản trị iMedia.
Được biết, có tới 5/9 vấn đề không được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên iMedia, chỉ thông qua sửa đổi khoản 3, Điều 10 trong điều lệ Công ty năm 2020; miễn nhiệm 2 thành viên Ban Kiểm soát (bà Bùi Thị Hồng và bà Hoàng Thị Nghĩa Ninh) và bầu bổ sung 2 thành viên Ban Kiểm soát (bà Đỗ Thị Kim Thuý và bà Nguyễn Thị Thu Huyền).
VMG Media từng là công ty thành viên của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hiện tập đoàn này đang nắm giữ hơn 5,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 28,3% cổ phần VMG Media.