Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Đỗ Văn Chiến báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, sáng 20/10.
Việc đề ra và triển khai thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời nên chưa giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) Đỗ Văn Chiến báo cáo Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp thứ hai, sáng 20/10.
Theo báo cáo, cử tri và Nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Cùng với sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết của Quốc hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; lạm phát được giữ ở mức thấp; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo…tiếp tục là những điểm tích cực trong phát triển kinh tế 9 tháng năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh tế đã mất đà tăng trưởng đạt được trong nửa đầu năm 2021, kéo theo tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng không đạt kế hoạch. Độ bao phủ vắc-xin chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm. Do đó, cử tri và Nhân dân lo lắng việc thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội và tạo áp lực cho các năm tiếp theo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, ông Chiến báo cáo.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, các chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất bị đứt gãy. Mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm” bên cạnh những mặt được mang lại cũng đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội giá thành sản xuất; tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ thuật cao do làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn.
Việc đề ra và triển khai thực hiện các gói hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thiếu kịp thời nên chưa giúp doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, ông Chiến phản ánh.
Ngoài ra, theo cử tri, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; chi phí vận chuyển hàng hóa và giá vật tư tăng cao, đời sống của người nông dân gặp khó khăn nhưng vẫn chưa có chính sách ưu tiên, hỗ trợ thỏa đáng…Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp phải cần nhiều thời gian hơn và phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như sự quan tâm lãnh đạo, điều hành của các cơ quan chức năng và kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động…để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm tại các vùng nông thôn, miền núi.
Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khái quát, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là lao động trong các khu công nghiệp bị thất nghiệp, thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là người dân sống trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, công nhân lao động trong các khu công nghiệp, người lao động tự do...
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bị đình trệ. Một bộ phận người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần, tự rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và bảo đảm an sinh xã hội về lâu dài.
Cử tri và Nhân dân phản ánh, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021, vẫn còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; thủ tục hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, bất cập, rườm rà dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ ít, hiệu quả thấp.
Việc cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là tại các khu cách ly còn khó khăn do số lượng người cần hỗ trợ rất lớn; nhiều nơi nông dân khó khăn do không tiêu thụ được sản phẩm nhưng chưa được hỗ trợ; vẫn còn tình trạng lợi dụng, gây khó khăn cho người dân trong việc thực hiện an sinh xã hội để “trục lợi”, gây bức xúc cho người dân, báo cáo nêu.