Giá tăng phi mã, cổ đông lớn thoát hàng
Cơ cấu cổ đông CTCP Dịch vụ vận tải ô tô số 8 (VT8) khá cô đặc tại thời điểm cuối năm 2017, với cổ đông lớn nhất là CTCP Ô tô TMT (TMT) sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu VT8, tương ứng 57,06% vốn điều lệ VT8 và CTCP Đầu tư thương mại H&H Hà Nội sở hữu hơn 804.000 cổ phiếu VT8, tỷ lệ 10,63% vốn VT8.
Cả 2 cổ đông lớn này vừa thoái song vốn tại VT8. Cụ thể, TMT đã đăng ký bán hết 4,3 triệu cổ phiếu VT8 từ ngày 3/8 và đã hoàn tất việc bán vào ngày 13/8/2018.
Tạm tính mức giá khoảng thời gian này là hơn 25.000 đồng/cổ phiếu, TMT đã thu về hơn 107,4 tỷ đồng. Đồng thời, H&H Hà Nội cũng đã hoàn tất việc thoái hơn 804.000 cổ phiếu VT8 vào khoảng giữa tháng 7 vừa qua.
Ngoài cổ đông lớn, nguồn cổ phiếu quỹ tại VT8 cũng đã được thoái hết ở vùng giá cao. Cụ thể, HĐQT VT8 đã bán 38.785 cổ phiếu quỹ theo giá thực tế khớp lệnh trên sàn kể từ ngày 15-20/7/2018.
Số cổ phiếu này được VT8 mua vào hồi tháng 1/2018, từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, với mục tiêu để tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu VT8. Do cổ phiếu quỹ không được nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng, nên cổ đông yêu cầu VT8 bán cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông.
VT8 tăng phi mã, ông chủ mới là ai?
Trong vòng 1 năm (21/8/2017-20/8/2018), cổ phiếu VT8 tăng tới hơn 811%, từ mức giá 2.852 đồng/ cổ phiếu lên 26.000 đồng/cổ phiếu. Còn nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, VT8 tăng hơn 130%, bất chấp thị trường giảm sâu trong quý II/2018.
VT8 có vốn điều lệ hơn 75 tỷ đồng, hoạt động chính là dịch vụ vận tải. Giai đoạn 2014-2017, doanh thu của VT8 tăng trưởng tương đối ổn định, từ mức 87 tỷ đồng năm 2014 lên 165,7 tỷ đồng năm 2017, nhưng lợi nhuận lại trồi sụt qua các năm.
Cụ thể, VT8 đạt hơn 4,3 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2014, sang năm 2015 chỉ còn 235 triệu đồng, rồi lại tăng lên 1,4 tỷ đồng vào năm 2016 và "nhảy" lên trong năm 2017 với hơn 8,94 tỷ đồng. Theo đó, EPS tăng vọt từ 345 đồng lên 1.729 đồng năm 2017.
Nếu tính giá đóng cửa của cổ phiếu VT8 cuối năm 2017 là 6.820 đồng/cổ phiếu, tương ứng PE khoảng 3,94 lần, đây là mức thấp so với PE thị trường khi đó.
Kết quả này đến từ việc tăng trưởng doanh thu và có sự cải thiện nhẹ về lợi nhuận gộp, đồng thời doanh thu hoạt động tài chính thu về gần 4,5 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2016, trong khi chi phí tài chính giảm nhẹ, nên đã giúp VT8 có kết quả đột biến.
Theo một số nhà đầu tư, một trong những nguyên nhân giúp giá cổ phiếu VT8 tăng là nhờ kết quả kinh doanh năm 2017 tích cực hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, lý do này lại chưa đủ thuyết phục để lý giải việc VT8 tăng tới hơn 811% trong vòng 1 năm qua.
Sức khỏe tài chính của VT8 không có gì nổi bật. Công ty vừa hoàn tất việc thoái vốn đầu tư tại CTCP Kinh doanh và dịch vụ số 8 để thu hồi vốn và tạm ứng cổ tức 2018.
Khoản góp vốn vào doanh nghiệp này khá nhỏ (năm 2016, VT8 đã thực hiện góp 4 tỷ đồng để thành lập CTCP Kinh doanh và dịch vụ số 8), trong khi doanh nghiệp thua lỗ nên khoản thu từ thoái vốn không lớn. Tuy nhiên, khoản thu đáng kể là VT8 bán cổ phiếu quỹ nói trên.
Ngày 13/7, VT8 đã chính thức có thông báo về việc thay đổi vốn điều lệ từ 51,7 tỷ đồng lên 75,5 tỷ đồng do phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Trước đó, VT8 đã trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2017 với tỷ lệ 14%.
Với việc có được nguồn thu từ các hoạt động trên, VT8 đã tiến hành chia cổ tức và dĩ nhiên, các cổ đông lớn kể trên cũng đã hưởng đầy đủ quyền lợi cổ đông trước
khi chính thức “chia tay” VT8. Được biết, năm 2018, VT8 đặt kế hoạch tổng doanh thu 274 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,67 tỷ đồng.
Trong sự trồi sụt khắc nghiệt của các cổ phiếu lớn kể từ đầu năm 2017 đến nay, VT8 lại là cổ phiếu nhỏ, có câu chuyện lạ khi thị giá tăng phi mã trên thị trường.
Nhiều thành viên thị trường lý giải rằng, do cổ đông VT8 cô đặc, lượng cổ phiếu giao dịch tự do thấp (bình thường khoảng 1.000 cổ phiếu/phiên), nên khả năng tương tác làm tăng giá VT8 không khó và không cần quá nhiều nguồn lực.
Tuy nhiên, “ông chủ” mới của VT8 chưa lộ diện, trong khi nhiều người muốn biết 68% cổ phiếu VT8 mà cổ đông lớn mới thoái đang ở trong tay ai?