Cụ thể hoá các cam kết

Các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) thực sự đã có được cái nhìn rõ ràng hơn về quyền mua bán, xuất nhập khẩu và phân phối hàng hoá của doanh nghiệp (DN) nước ngoài tại Việt Nam kể từ khi Quyết định 10/2007/QĐ-BTM (QĐ 10) được Bộ Thương mại ban hành cuối tháng 5 vừa qua.

QĐ 10 tái khẳng định các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam về hình thức đầu tư và lộ trình thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, quyền phân phối, quyền quảng cáo trong lĩnh vực thương mại và quyền giám định thương mại. Bên cạnh đó, QĐ 10 cũng cung cấp các danh mục chi tiết về hàng hoá theo mã số hệ thống hài hoà HS trong biểu thuế nhập khẩu và lộ trình thực hiện các quyền nói trên.

“Mặc dù những cam kết có thể tìm thấy trong Hiệp định về việc Việt Nam gia nhập WTO, nhưng điều đáng kể là QĐ 10 đã tóm tắt và cụ thể hoá các cam kết WTO dưới một hình thức dễ hiểu, dễ nắm bắt”, LS. Nguyễn Đăng Việt (Công ty Luật Bizconsult) nói. Ông Việt cũng cho biết, trước khi có QĐ 10, việc tìm ra những cam kết liên quan đến quyền mua bán hàng hoá và các quyền liên quan của các DN nước ngoài rất mất thời gian và không dễ thực hiện.

Không mấy khó khăn để nhận thấy, QĐ 10 đã cụ thể hoá rất rõ các cam kết WTO. Ví dụ, trong lĩnh vực phân phối, nếu như Hiệp định gia nhập WTO chỉ nói rằng, các nhà ĐTNN bị hạn chế (không được quyền) phân phối kim loại quý và đá quý, thì QĐ 10 nêu rõ có 7 chủng loại kim loại và đá mà DN nước ngoài không được phân phối như: kim cương đã hoặc chưa được gia công, nhưng chưa được gắn hoặc nạm dát (mã 7102); đá quý hoặc đá bán quý tổng hợp hoặc tái tạo, nhưng chưa xâu thành chuỗi, chưa gắn hoặc nạm dát... (mã 7103); vàng (kể cả vàng mạ bạch kim) chưa gia công hoặc ở dạng bán thành phẩm hoặc dạng bột (mã 7108); tiền kim loại (7118)… Tương tự, nếu như Hiệp định gia nhập WTO chỉ quy định đơn giản rằng, các DN nước ngoài bị hạn chế trong việc phân phối thuốc nổ, thì QĐ 10 đi sâu hơn, quy định cụ thể 3 loại thuốc nổ không được phân phối. Đó là: bột nổ đẩy (3601); thuốc nổ đã điều chế (3602); ngòi an toàn, ngòi nổ, kíp nổ (3603).

“Không chỉ hữu ích cho DN nước ngoài, các danh mục hàng hoá trong QĐ 10 còn giúp DN trong nước ý thức hơn về lộ trình mở cửa thị trường, đồng thời giúp họ sẵn sàng chuẩn bị cho ‘cuộc đua’ với các DN nước ngoài khi các hạn chế trong việc mở cửa thị trường được hoàn toàn xoá bỏ”, ông Việt nói.

Trao đổi với Báo Đầu tư, ông Trần Quốc Khánh, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Thương mại) khẳng  định, QĐ 10 là một tài liệu quan trọng đối với DN trong và ngoài nước. Quan trọng hơn, QĐ 10 có thể là cơ sở đẩy mạnh phân cấp đầu tư. “Với việc công bố lộ trình mở cửa và cụ thể mặt hàng, QĐ 10 có thể là cơ sở để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan quản lý đầu tư tại các tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc cải thiện môi trường đầu tư”, ông Khánh cho biết.

Tuy nhiên, giới DN nước ngoài cho rằng, bên cạnh những ưu điểm và tác dụng nói trên, QĐ 10 vẫn chưa giải tỏa được một số vấn đề mà các nhà ĐTNN đang quan ngại. Ví dụ, trong lĩnh vực phân phối hàng hoá, QĐ 10 chưa nêu ra những tiêu chuẩn cụ thể về việc thành lập cơ sở bán lẻ thứ 2 mà chỉ quy định việc lập thêm cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất được xem xét trên cơ sở kiểm tra nhu cầu kinh tế (số lượng các nhà cung cấp dịch vụ đang hiện diện trong một khu vực địa lý, sự  ổn định của thị trường và quy mô địa lý). “Vì  QĐ 10 không quy định chi tiết, nên có thể các cơ quan nhà nước sẽ có cách nhìn khác biệt và chủ quan trong vấn đề này”, ông Việt nói.

Trước đó, tại Diễn đàn DN Việt Nam (tổ chức ngày 30/5/2007), ông Fred Burke, Luật sư điều hành của Công ty Luật Baker & McKenzie cũng đưa ra quan ngại này. Ông Fred Burke cho rằng, làm thế nào để thực hiện việc “kiểm tra nhu cầu kinh tế” một cách công  bằng và minh bạch là một thách thức mà Việt Nam rất cần tính tới.

Một lo lắng khác liên quan tới quy định của QĐ 10 là hình thức đầu tư và lộ trình thực hiện công bố trong QĐ 10 cũng áp dụng cho các tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà ĐTNN và nhà đầu tư trong nước đã thành lập, nay đề nghị bổ sung hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá. Theo ông Việt, quy định này không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư năm 2005. “Điều 29.4 của Luật Đầu tư 2005 quy định rằng, các nhà ĐTNN sẽ được áp dụng các điều kiện đầu tư giống như các nhà đầu tư trong nước nếu phần góp vốn của phía Việt Nam lớn hơn 51% vốn pháp định của công ty”, ông Việt nói và cho biết, những quy định sai lầm có thể ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của nhiều DN Việt Nam đang huy động vốn từ nước ngoài cho các kế hoạch phát triển của họ.