Khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động

Khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành đã đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 4: Ngóng trông giải pháp “hồi sức tích cực”

0:00 / 0:00
0:00
Đa phần các doanh nghiệp lữ hành còn sống sót sau 3 “trận chiến” Covid-19 trước đó đang phải thở ô xy. Họ rất cần những giải pháp “hồi sức tích cực” từ Nhà nước để tái sinh.

Bài 4: Ngóng trông giải pháp “hồi sức tích cực”

Đa phần các doanh nghiệp lữ hành còn sống sót sau 3 “trận chiến” Covid-19 trước đó đang phải thở ô xy. Họ rất cần những giải pháp “hồi sức tích cực” từ Nhà nước để tái sinh.

Trả lại sự ưu ái xứng đáng cho du lịch

Bao nhiêu nguồn lực qua 3 lần chống dịch đã cạn kiệt, giờ đây, các doanh nghiệp lữ hành rơi vào cảnh không thể thê thảm hơn. Ngay cả Tập đoàn Lux Group - một hệ sinh thái với các dịch vụ trọn gói gồm: lữ hành Lux Travel DMC, Luxury Travel, xe sang trọng Luxtransco, hãng du thuyền Emperor, du thuyền Heritage Bình Chuẩn với các tour trải nghiệm ở Nha Trang, Hạ Long, Cát Bà... cũng lâm vào cảnh kiệt quệ.

Đội du thuyền buộc phải “ngủ đông giữa mùa hè”. Lữ hành giải quyết hoãn, hủy toàn bộ tour trong tháng 5 cho du khách và không có booking mới. Đội xe ô tô, limousine nằm yên trong bãi. Tham vọng phát triển đội du thuyền 30 chiếc của doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, kiêm CEO Lux Group phải tạm gác lại vì Tập đoàn đang rơi vào cảnh sức cùng lực kiệt.

Có cảm giác chính sách đang lơ lửng phía trên, doanh nghiệp dường như gần chạm tới, nhưng không thể nắm bắt.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour

“Các cấp, ngành, địa phương nói nhiều đến việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng qua hơn một năm lao đao vì đại dịch, ngành kinh tế xanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp du lịch chưa ‘ngửi’ thấy, chứ đừng nói là chạm được vào các gói cứu trợ”, ông Hà nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Vietrantour khẳng định, muốn vực dậy ngành kinh tế xanh, trước tiên cần phải “hồi sức tích cực” cho doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp gồm vận chuyển, hàng không, khách sạn, nhà hàng.

Hiện có tới hơn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã rút giấy phép kinh doanh hoặc dừng hoạt động vì không đủ sức chống trả những “trận đòn” của Covid-19. Thị trường trong nước không ổn định, thị trường quốc tế đóng băng khiến ngay cả những doanh nghiệp mạnh cũng kiệt quệ. “Ngay từ bây giờ, rất mong các cơ quan chức năng hãy trả lại sự ưu ái, hỗ trợ xứng đáng, thiết thực, nhanh chóng cho ngành du lịch”, bà Huyền nói như lời khẩn cầu.

Theo bà Huyền, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng những chính sách này chưa thực tế với các doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Đơn cử, chính sách giảm thuế, giãn nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn chưa hiệu quả. Trong điều kiện dịch bệnh, doanh nghiệp không có doanh thu, thì việc giảm thuế không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn vay vốn, nhưng ngân hàng yêu cầu có hồ sơ chứng minh doanh thu. Như vậy, chẳng khác nào câu chuyện “con gà, quả trứng”. “Khi không có vốn, doanh nghiệp làm sao có thể chuyên tâm phát triển để có doanh thu. Có cảm giác chính sách đang lơ lửng phía trên, doanh nghiệp dường như gần chạm tới, nhưng không thể nắm bắt”, bà Huyền nói.

Trong bối cảnh hiện nay, bà Huyền đề xuất, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có gói tài chính hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch. Điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch vay vốn phải được nới lỏng, có thể nhìn vào lịch sử phát triển của đơn vị đó, thay vì yêu cầu họ cung cấp hồ sơ sẽ làm gì trong tương lai.

“Điều này đòi hỏi phải có một cơ quan đánh giá sự phát triển thương hiệu, sự đóng góp của doanh nghiệp cho ngành du lịch, như đóng thuế chẳng hạn. Từ đó, sàng lọc những doanh nghiệp có thể gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện chính sách”, bà Huyền đề xuất.

Cùng với doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, vận chuyển và nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng không phải ngoại lệ. Họ cũng cần được hưởng sự hỗ trợ về chính sách, nhất là tài chính. Ngoài ra, phải nhanh chóng tiếp sức, giữ chân nhân lực trong du lịch. Giới doanh nhân du lịch đang nhìn thấy hiện tượng “chảy máu” chất xám nghiêm trọng khi hơn 90% người lao động ngành này phải chuyển sang làm ở các ngành, nghề khác.

“Nếu không giữ chân được nhân viên, thì khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch phục hồi, liệu ngành kinh tế xanh có còn nhân lực để phục vụ du khách hay không. Trong khi đó, ngoài thời gian đào tạo trong trường lớp, để có một nhân sự tương đối biết việc, doanh nghiệp phải đào tạo thêm khoảng một năm trong thực tế”, bà Huyền phân tích.

Một điều nữa có thể giúp doanh nghiệp du lịch hồi sức trong lúc này là chính sách nới lỏng điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Trong khi chỉ phục vụ được thị trường nội địa mà cũng rất bấp bênh, các doanh nghiệp mong được lấy lại tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế. Đôi khi, sự hồi sinh có thể đến từ những nguồn vốn không phải quá lớn ấy.

Thiếu một “nhạc trưởng”

Các doanh nghiệp cho hay, đã dồn toàn bộ nguồn lực, tâm huyết cho mùa du lịch hè năm 2021 với tất cả hy vọng, vì từ tháng 5 đến tháng 7 là đợt cao điểm đầu tiên của du lịch nội địa. “Trồng cây đến ngày hái quả thì Covid-19 lại ‘băm nát’ những trái chín trên cây”, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, CEO Golden Life Travel chua xót.

Nữ doanh nhân cho biết, doanh nghiệp đang được hưởng chính sách giãn nộp thuế 5 tháng và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp gần như không có ý nghĩa đối với các công ty du lịch, vì kinh doanh thua lỗ thì không có tiền để nộp thuế.

Do đó, bà Lan đề xuất chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế VAT cho các đơn vị du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ có những chính sách thiết thực hơn nữa đến các lao động ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng vay vốn để giữ lực lượng lao động nòng cốt.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel, khi dịch bệnh bùng phát, với những tour buộc phải hoãn, hủy, thì hàng không tạm thời hoàn lại tiền đặt cọc cho các doanh nghiệp lữ hành để trả cọc cho khách hàng. Doanh nghiệp lữ hành đang bị kẹt ở thế “một cổ hai tròng”, nguồn lực cạn kiệt, khách hàng đòi tiền cọc, nhưng hàng không lại không trả cọc ngay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, sát thực tế hơn. “Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, đề nghị Chính phủ cho tháo khoán khoản ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế 500 triệu đồng hoặc có cơ chế, chính sách dùng số tiền đó làm tài sản để đảm bảo cho doanh nghiệp vay lại từ ngân hàng, có nguồn tiền duy trì hoạt động”, ông Tài nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Lương Duy Doanh, CEO FiveStar Travel cho rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để hoạt động du lịch được khởi động trở lại. Vấn đề sống còn của các doanh nghiệp du lịch vẫn là có khách hàng, nếu dịch được kiểm soát tốt, doanh nghiệp sẽ có khách và tồn tại.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, vận chuyển và nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng cần được hưởng sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nhất là tài chính. Bởi bản chất kinh doanh lữ hành là kết nối các dịch vụ, nếu nhà cung cấp dịch vụ không sống sót thì chúng tôi cũng không thể tồn tại”, ông Doanh bày tỏ.

Theo ông Phạm Hà, một trong những nguyên nhân khiến chính sách từ Chính phủ chưa thiết thực với doanh nghiệp và người lao động ngành công nghiệp không khói là ngành này đang thiếu một “nhạc trưởng”, thiếu tầm nhìn chiến lược lâu dài. “Tôi đã nhiều lần đề xuất thành lập Bộ Du lịch, trực thuộc Chính phủ, hoạt động độc lập từ Trung ương xuống địa phương theo mô hình của Thái Lan”, doanh nhân Phạm Hà cho hay.

Nhìn nhận vai trò quan trọng của ngành kinh tế xanh, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tiếp đến, ngày 6/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị.

Lúc này, hơn lúc nào hết, cần nhanh chóng chuyển từ Nghị quyết sang hành động cụ thể của Chính phủ, từ Trung ương tới địa phương. Nếu không có những chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực…

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan