
Samsung đang muốn biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của Samsung toàn cầu
SK “nhấn ga”
Thông tin những ngày gần đây, tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc - SK - đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam 3 dự án lớn, liên quan đến lĩnh vực điện khí LNG, tiến tới phát triển trung tâm năng lượng mới gắn với phát triển trí tuệ nhân tạo, hydrogen, logistics, nông nghiệp thân thiện môi trường và đổi mới sáng tạo.
Trong các cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tuần trước, ông Chey Tae Won, Chủ tịch Tập đoàn SK cũng chia sẻ điều này. Theo ông, SK đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để tăng cường hỗ trợ, hợp tác cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế cao, lâu dài, bền vững của Việt Nam.
Dù thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng theo nguồn tin của Báo Đầu tư, 3 dự án này dự kiến được đặt tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, có thể ở khu vực Nghi Sơn - Quỳnh Lập, Cà Ná và Đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn vào danh mục các dự án này, nhiều khả năng, hàng tỷ USD sẽ được SK đổ vào Việt Nam trong thời gian tới, nếu các điều kiện đầu tư thuận lợi.
Trước nay, SK đã đầu tư khá lớn tại thị trường Việt Nam, với quy mô được tính toán khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này chủ yếu là đầu tư gián tiếp, thông qua các thương vụ mua cổ phần với trị giá từ hàng trăm triệu USD đến cả tỷ USD của các “ông lớn” như Vingroup, Masan, hay Pharmacity, Imexpharm…
Dự án Nhà máy Sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance ở Hải Phòng là dự án đầu tư trực tiếp đầu tiên của Tập đoàn SK tại Việt Nam. Dự án được cấp chứng nhận đầu tư hồi tháng 9/2023 và đã chính thức được khởi công xây dựng hồi tháng 5/2024. SK đã thông qua một công ty con để đầu tư dự án này tại Khu công nghiệp DEEP C. Với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD, trong đó giai đoạn I là 100 triệu USD, dự án này được nhắm đến thị trường vật liệu phân hủy sinh học toàn cầu, vốn đang phát triển mạnh mẽ.
Như vậy, sau nhà máy ở Hải Phòng, Tập đoàn SK đang tiếp tục “nhấn ga” tại thị trường Việt Nam, với các khoản đầu tư lớn. “SK coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chiến lược đầu tư thời gian tới”, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Chey Tae Won khẳng định như vậy.
“Chúng tôi mong muốn các dự án của SK sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa, gặt hái nhiều thành quả”, ông Chey Tae Won nói và cho biết, SK rất mong muốn được tham gia quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, đóng góp vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Ngoài các lĩnh vực như điện khí LNG, thì hydrogen là lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Cuối năm 2023, trong chuyến công tác tới Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm các nhà máy sản xuất chip, kho chứa LNG, nhà máy điện khí LNG, nhà máy hydroden lỏng của SK tại Incheon và Wirye.
Tại các cuộc gặp đó, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae Won đã bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, các mô hình sử dụng năng lượng hiệu quả, phù hợp với những định hướng của Chính phủ Việt Nam… Các kế hoạch đó, giờ đây, đang bắt đầu được hiện thực hóa.
Sự trở lại của nhà đầu tư Hàn
Trong tháng 1/2025, Hàn Quốc bất ngờ quay trở lại vị trí quán quân, với hơn 1,25 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, gấp rất nhiều lần so với con số chỉ 93,46 triệu USD vốn đầu tư của tháng 1 năm ngoái.
Hàn Quốc lâu nay vẫn luôn là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 1/2025, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam trên 92 tỷ USD, đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, bỏ xa Singapore - đứng vị trí thứ hai tới 8 tỷ USD (Singapore tính đến nay đã đầu tư vào Việt Nam hơn 84 tỷ USD - PV).
Tuy vậy, nếu tính theo năm, những năm gần đây, “ngôi vương” của nhà đầu tư Hàn Quốc đã bị soán. Năm ngoái, các nhà đầu tư Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai, với hơn 7 tỷ USD vốn đăng ký. Năm 2023, vị trí là thứ 5, với hơn 4,4 tỷ USD. Còn năm 2022, vị trí thứ 3, với 4,8 tỷ USD…
Nhưng câu chuyện dường như đã khác, khi trong tháng 1/2025, Hàn Quốc bất ngờ quay trở lại vị trí quán quân, với hơn 1,25 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư, gấp rất nhiều lần so với con số chỉ 93,46 triệu USD vốn đầu tư của tháng 1 năm ngoái, thăng tới 5 hạng so với cùng kỳ.
Có sự soán ngôi này là nhờ tháng đầu năm, Samsung Display đã nhận chứng nhận đầu tư điều chỉnh, để tăng vốn đầu tư thêm trước mắt là 1,2 tỷ USD cho nhà máy sản xuất các loại màn hình thế hệ mới ở Bắc Ninh, bao gồm cả màn hình OLED cho điện thoại di động và cả các sản phẩm OLED dành cho thiết bị IT, ô tô ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Samsung Việt Nam trước đó, với khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD này, Samsung đang muốn biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất các loại màn hình thế hệ mới của Samsung toàn cầu.
Và câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho và người kế nhiệm là ông Na Ki Hong đã cho biết, tới đây, bên cạnh các lĩnh vực đầu tư truyền thống, Samsung sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới.
Samsung hiện đã đầu tư tại Việt Nam hơn 23 tỷ USD và hàng năm đều đầu tư thêm cả tỷ USD. Với kế hoạch mới, rất có thể, tới đây, sẽ tiếp tục có các dự án tỷ USD được Samsung đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài Samsung, LG cũng là tập đoàn liên tục dốc vốn vào Việt Nam. Năm ngoái, “người đồng hương” của Samsung đã đầu tư hàng tỷ USD cho Dự án LG Display ở Hải Phòng. Trong kế hoạch của mình, LG dự kiến tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Chưa kể, Hyosung, Amkor, Hana Micron đang muốn mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Sau khi đầu tư giai đoạn I với 520 triệu USD, năm ngoái, Amkor đã quyết định đầu tư thêm 1,07 tỷ USD vào nhà máy ở Bắc Ninh, sớm hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu.
Thông tin gần đây cho biết, Nhà máy Amkor dự kiến mở rộng sản xuất lên gấp ba lần công suất trong thời gian tới.
Các động thái là rất tích cực. Khi các dự án tỷ USD được đổ vào, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ mạnh mẽ trở lại và tiếp tục giữ vững “ngôi vương”.