Những dự án hạ tầng giao thông sẽ là cú hích để thị trường địa ốc các tỉnh lân cận TP.HCM phát triển.

Những dự án hạ tầng giao thông sẽ là cú hích để thị trường địa ốc các tỉnh lân cận TP.HCM phát triển.

Cú huých về hạ tầng với bất động sản lân cận TP.HCM

Từ đầu năm nay, TP.HCM liên tục công bố triển khai dự án giao thông với các tỉnh lân cận. Cú hích hạ tầng mới này sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản vệ tinh, vùng lân cận.

Đổ bộ dự án giao thông mới

Trong năm 2019, TP.HCM triển khai hàng loạt dự án giao thông kết nối với các tỉnh lân cận như: triển khai thực hiện các dự án xây mới đường cao tốc liên vùng phía Nam (Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành) dài 59 km, quy mô 10 làn xe; hầm chui Mai Chí Thọ và cầu vượt Lương Định Của (quận 2); nút giao 3 tầng ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); đường song hành với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường nối đại lộ Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; cầu vượt 2 chiều tại nút giao Ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân)…

Đến năm 2020, TP.HCM sẽ mở rộng đoạn Quốc lộ 1, từ nút giao Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) đến nút giao Bình Thuận (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh) dài 2,5 km, mở rộng lên 35 m; làm đường cao tốc liên vùng phía Nam Thành phố là Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành dài 59 km, quy mô 10 làn xe.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho Dự án Đường vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng trong năm nay. Theo đó, tuyến đường vành đai 3, đoạn Nhơn Trạch - TP.HCM dài hơn 30 km.

Giai đoạn I sẽ xây dựng từ ngã tư quận Thủ Đức (TP.HCM) đến đường 25B tại trung tâm huyện Nhơn Trạch với chiều dài khoảng 17 km. Dự kiến, trong quý II năm nay sẽ khởi công trước đoạn 1A dài gần 9 km, kéo dài từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến đường 25B. Tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, gồm vốn vay và vốn đối ứng.

Thời gian qua, TP.HCM đã chủ động làm việc với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai để đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng. Mới đây, các địa phương đã có cuộc họp về việc cùng phối hợp triển khai đầu tư xây dựng Dự án cầu Cát Lái 7.200 tỷ đồng, nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 của TP.HCM.

Tỉnh Đồng Nai cũng đang làm việc với một số nhà đầu tư tiềm năng cùng bàn thảo phương án đầu tư, dự kiến cây cầu trọng điểm này sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2019.

Thông tin vừa được Bộ Giao thông - Vận tải công bố, Bộ đang nghiên cứu và đề xuất các phương án giao thông kết nối trực tiếp, gián tiếp đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông từ sân bay này đến TP.HCM và các vùng phụ cận. Theo kết quả dự báo của tư vấn, nhu cầu giao thông giữa sân bay Long Thành với khu vực TP.HCM cần được ưu tiên.

Ngoài ra, theo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, năm 2019, Thành phố sẽ triển khai khoảng 70 dự án giao thông đường bộ, trong đó có 45 dự án nâng cấp mở rộng làm mới đường và 23 dự án xây dựng cầu.

Cơ hội của bất động sản

Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận là cú hích giúp thị trường bất động sản phát triển. TP.HCM đang trong giai đoạn giãn dân, thêm vào đó, nhu cầu bất động sản ở các tỉnh lân cận đang rất lớn. Các tỉnh lân cận với quỹ đất rộng, dòng sản phẩm hiện tại ít, trong đó khan hiếm những dòng sản phẩm chất lượng, xây dựng bài bản với đầy đủ tiện ích, là cơ hội vàng cho doanh nghiệp địa ốc đầu tư dự án.

Ông Trần Đức Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An cho biết, trước đây, thị trường bất động sản thường chú trọng ở trung tâm TP.HCM, ít phát triển ra các tỉnh lân cận. Lý do đến từ việc hạ tầng giao thông kết nối không đồng bộ giữa các tỉnh với nhau, sự lệch pha về hạ tầng tạo ra độ vênh về nguồn cung và cầu thị trường.

“Thị trường nhu cầu ở các tỉnh là rất lớn, bởi thu nhập của người dân tại các tỉnh đang tăng cao, nhưng doanh nghiệp bất động sản lại không đáp ứng nhu cầu này bởi hạ tầng không phù hợp. Tuy nhiên, từ năm 2017 tới nay, thị trường có độ mở rộng, khi hạ tầng giao thông kết nối giữa TP.HCM liên tục được cải thiện. Ở mỗi dự án giao thông được xây dựng, thị trường bất động sản cũng phát triển theo. Chẳng hạn, sau khi Dự án hầm An Sương được xây dựng và hoạt động, ngay lập tức các dự án bất động sản tại khu vực này phát triển mạnh trong năm 2018”, ông Vinh nói.

Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, việc chuyển đổi cơ hội đầu tư tại các vùng ven và tỉnh lẻ sẽ góp phần giúp đất nền, nhà liền thổ ở khu vực vùng ven có tỷ lệ hấp thụ cao trong tương lai. So với TP.HCM, giá đất vùng ven còn thấp, nên dư địa tăng trưởng cao, sức cạnh tranh của đất nền, nhà phố vùng ven còn có nhiều tiềm năng tăng giá tốt, đem lại tỷ suất sinh lời cao hơn so với các phân khúc khác.

Thế nhưng, ngoài những thuận lợi, thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc phát triển dự án bất động sản tại tỉnh. Trước tiên là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Nếu như trước đây, ở các tỉnh dự án không nhiều, doanh nghiệp gặp cạnh tranh chủ yếu từ sản phẩm đất thổ cư do người dân tự rao bán, thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp đổ về tỉnh làm dự án, nguồn cung tăng đột biến, trong khi sức tiêu thụ của thị trường tỉnh khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Lôi kéo nhà đầu tư từ thành phố về tỉnh không phải chuyện dễ, nhất là khi làn sóng đầu cơ đang giảm mạnh. Nếu nhìn vào sức mua bất động sản tại Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu, có thể thấy, nhu cầu mua phần lớn vẫn là từ dân đầu tư TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc. Dân địa phương mua xây nhà không nhiều.

“Không phải tất cả các khu vực ở tỉnh đều có giao dịch tốt, chỉ những nơi có hạ tầng đi qua hay giáp ranh thành phố thì mới được mua nhiều. Do đó, đổ về tỉnh làm dự án, doanh nghiệp phải tính cả việc sẽ khó khăn ra hàng và thời gian bán có thể kéo dài”, ông Ngô Quang Phúc khuyến cáo.

Tin bài liên quan