Trong nhiều group chứng khoán, thông tin trên được chia sẻ với bình luận phổ biến là, “đã rất lâu mới thấy các đợt thoái vốn bom tấn có thể được thực hiện”. Trong quá khứ, một số đợt IPO, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước lớn đã kích hoạt làn sóng mới trên TTCK. Điều này cũng tạo ra những thuận lợi nhất định cho Nhà nước đưa hàng ra thị trường.
Bởi vậy, nhiều ý kiến mong đợi thoái vốn có thể là chất xúc tác trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện nay.
Quả thực, những phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đi vào vùng rung lắc. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu thị trường có rơi vào mô hình 2 đỉnh, sau đó rớt sâu một nhịp như bối cảnh tháng 9/2023, khi ấy Vn-Index rớt 200 điểm. Hay đây chỉ là cú nhún tạo đà cho một nhịp vượt đỉnh?
Nhìn ra thế giới, DowJones vượt đỉnh 40.000 điểm một cách vững chắc. TTCK Trung Quốc cũng có nhịp phục hồi ấn tượng.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam, bức tranh nói chung vẫn còn nhiều thách thức nhưng doanh nghiệp buộc phải chấp nhận hoàn cảnh và tìm cách len lỏi thêm các thị trường. Chẳng hạn như mảng bán hàng dự án trong nước khó khăn thì phải đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh bán lẻ. Các dữ liệu công bố tháng 4 cho thấy sức mua đã có sự cải thiện, áp lực tỷ giá dễ chịu hơn. Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.
Về mặt kỹ thuật, chuyên gia cũng nhìn nhận thị trường hiện tại không có sự phân kỳ về độ rộng và khi độ rộng đã lan tỏa lên 80% các mã vượt MA20, rung lắc (nếu có) là bình thường.
Diễn biến trên thị trường cũng cho thấy các mã có câu chuyện như thoái vốn, kết quả kinh doanh triển vọng vẫn tiếp tục có sắc xanh.
Trong mắt của những nhà đầu tư gắn bó với thị trường, cung hàng thoái vốn có thể góp phần cải thiện phẩm cấp hàng hoá. Số liệu cho thấy TTCK Việt Nam có tới 1.599 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch, trong khi các thị trường khu vực chỉ có vài trăm doanh nghiệp. Điều này chỉ ra rằng, quy mô của doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ, thiếu các doanh nghiệp quy mô lớn ở các lĩnh vực sản xuất, thiếu hàng hóa ở lĩnh vực sản xuất trên sàn. Điều này cũng khiến tỷ lệ cổ phiếu mà nhà đầu tư có thể mua ở mức thấp. Nhiều trường hợp nhà đầu tư muốn mua được số lượng lớn cổ phần nhưng không thể gom được trên sàn vì thị giá cổ phiếu có thể biến động mạnh.
Chọn chủ đề “Sóng thoái vốn trở lại” trong chuyên mục Tiêu điểm của số báo này, Đầu tư Chứng khoán phân tích bức tranh rộng hơn về kỳ vọng cung hàng chất lượng trong thời gian tới.
Không chỉ thoái vốn, nhà đầu tư cũng mong mỏi có thêm hàng hóa phẩm cấp qua các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tới đây. Mười năm qua, Top 10 cổ phiếu lớn chỉ thay đổi thứ hạng mà không có hàng hoá mới, dù ngoài kia các doanh nghiệp 1 tỷ USD chưa niêm yết vẫn rất nhiều. Thúc đẩy IPO các doanh nghiệp lớn, cho chuyển sàn doanh nghiệp đủ điều kiện sang HOSE là những giải pháp góp phần đưa chứng khoán Việt Nam không còn loay hoay với những câu hỏi hai đỉnh hay vượt đỉnh!?