Phiếu thu tiền nước tại Tòa nhà Sông Hồng Parkview ghi tên đơn vị thu là CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng

Phiếu thu tiền nước tại Tòa nhà Sông Hồng Parkview ghi tên đơn vị thu là CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng

Cư dân tố nhiều vấn đề tại Chung cư Sông Hồng Parkview

(ĐTCK) Những tưởng sau vụ lùm xùm tranh chấp giữa CTCP Địa ốc Sông Hồng và Công ty Hanel khiến Bộ Xây dựng phải vào cuộc, Dự án Chung cư 165 Thái Hà sẽ yên ổn, nhưng mới đây, theo phản ánh của cư dân sinh sống tại đây, Dự án lại phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn.
 

Nhiều bức xúc...

Theo giấy phép đầu tư do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 27/5/2008, Dự án Sông Hồng Parkview 165 Thái Hà do Tổng công ty Sông Hồng (nay là Tổng CTCP Sông Hồng) làm chủ đầu tư, CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng tham gia đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Theo quy hoạch, Dự án gồm 2 khối nhà 21 tầng, 1 khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh 11 tầng, tổng diện tích khu đất là 5.283 m2, diện tích xây dựng 3.520 m2, mật độ xây dựng 66,6%, với số tầng hầm theo đăng ký là 2 tầng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, thực tế hiện tại, công trình đã xây trên toàn bộ diện tích 5.283 m2, trong khi số tầng khối nhà sau khi hoàn thiện lên tới 26 tầng nổi, còn khối nhà văn phòng làm việc và cửa hàng kinh doanh cũng xây lên thành 15 tầng. Ngoài ra, trong thiết kế có lối thoát hiểm chung, nhưng đã bị chủ đầu tư triển khai hạng mục… bể bơi 4 mùa để khai thác kinh doanh thu tiền. Người dân muốn bơi phải mua 1 thẻ tập thể hình giá 16 triệu đồng/năm…

Theo quy định, khoản phí bảo trì sẽ phải được bàn giao cho Ban quản trị để tiến hành duy trì bảo dưỡng các thiết bị chung của tòa nhà. Tuy nhiên, hiện Tòa nhà Sông Hồng Parkview chưa có ban quản trị, nên người dân không biết số phận của khoản phí bảo trì lên tới hàng chục tỷ đồng này đang ở đâu, được sử dụng như thế nào trong 3 năm qua?

Không những thế, ngay ở tầng đế, khu vực siêu thị lại biến thành… câu lạc bộ bia tươi, kiêm quán bar rất ồn ào. Người dân bức xúc cho biết, từ khi có quán bar này, tầng hầm để xe gần như không còn chỗ, nhiều người đi về muộn thậm chí phải đỗ xe ở ngoài hành lang tòa nhà.

Bên cạnh đó, cư dân cũng bức xúc về sự xuất hiện như “từ trên trời rơi xuống” của Ban quản lý Tòa nhà PMC. Theo cư dân, tháng 11/2012, sau khi bàn giao nhà, dù chưa thành lập Ban quản trị tòa nhà, nhưng để đảm bảo có các dịch vụ tiện ích cho cư dân, Bản quản lý Dự án Thái Hà đã ký hợp đồng 3 bên với CTCP Kinh doanh dịch vụ quản lý bất động sản Homecare và được thể hiện rõ trong “Sổ tay cư dân” được cấp cho mỗi chủ căn hộ.

Trong Sổ tay này ghi rõ, toàn bộ nội dung cập nhật, sửa đổi sẽ được thực hiện bởi chính cư dân của Tòa nhà sau khi đã tổ chức thành công hội nghị nhà chung cư lần thứ I và thành lập được Ban quản trị. Sổ tay cũng ghi rõ, Ban quản lý Tòa nhà là Homecare, việc thay thế Ban quản lý phải nhận được sự đồng thuận của toàn bộ cư dân Tòa nhà. Tuy nhiên, sau đó không rõ vì lý do gì, Tổng CTCP Sông Hồng lại đột ngột thay đơn vị quản lý và chỉ có một thông báo trên bản tin, mà không có văn bản tổng hợp ý kiến của cư dân Tòa nhà, khiến họ bức xúc.

“Nghi ngờ có sự gian dối khi người thu tiền và ký tên là nhân viên PMC, trong khi trên phiếu thu lại ghi là CTCP Địa ốc sông Hồng - một đơn vị chỉ là hợp tác đầu tư, không phải đơn vị mà chúng tôi ký kết trong hợp đồng mua nhà, nhiều người không đồng thuận, thì nhận được thông báo của PMC sẽ cắt điện và cắt nước. Một ban quản lý còn chưa được thừa nhận, lại dọa nạt người mua nhà là điều không thể chấp nhận được”, ông D., cư dân của Tòa nhà bức xúc. 

... và thắc mắc về khoản phí bảo trì

Theo Văn bản hợp nhất số 09 của Bộ Xây dựng, Quy định 01 của UBND TP. Hà Nội, Luật Nhà ở 2014 và mới đây nhất là Nghị định 99/2015/NĐ-CP đều nêu rõ, trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị các chủ sở hữu, người sử dụng chung cư. Tuy nhiên, theo các cư dân, dù bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 11/2012, nhưng đến nay, chủ đầu tư Chung cư 165 Thái Hà vẫn chưa tiến hành tổ chức hội nghị chung cư để thành lập Ban quản trị Tòa nhà.

Nhiều cư dân cho rằng, đây là điều không bình thường, bởi theo quy định, khoản phí bảo trì sẽ phải được bàn giao cho Ban quản trị để tiến hành duy trì bảo dưỡng các thiết bị chung của tòa nhà. Tuy nhiên, hiện chưa có ban quản trị, nên người dân không biết số phận của khoản phí bảo trì lên tới hàng chục tỷ đồng này đang ở đâu, được sử dụng như thế nào trong 3 năm qua?

Sau khi chịu nhiều sức ép từ cư dân Tòa nhà, ngày 30/10/2015, CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng gửi một công văn giới thiệu nhân sự tham gia tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Tuy nhiên, công văn này không được cư dân chấp thuận, vì theo họ, chủ đầu tư giới thiệu nhân sự dựa vào biên bản cuộc họp phiên trù bị tổ chức Hội nghị nhà Chung cư 165 Thái Hà ngày 7/5/2015 là trái quy định, bởi chủ đầu tư phải thực hiện giới thiệu nhân sự tham gia Ban quản trị trước khi họp phiên trù bị. Chưa kể, chủ đầu tư giới thiệu tới 2 người cùng tham gia Ban quản trị tòa nhà là không phù hợp.

Đại diện chủ đầu tư có ý kiến như thế nào về những thắc mắc của cư dân, phóng viên Đầu tư Bất động sản đang liên hệ và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong các số tiếp theo.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tham gia cuộc bình chọn Khu đô thị đáng sống 2015 (Báo đầu tư Bất động sản)

Tin bài liên quan