Mùi khét phát tác trở lại
Như đã đăng tải tại các số báo trước, cách đây hơn 1 tháng, Ban quản trị 3 cụm tòa nhà HH2, CT7 và CT8, Khu đô thị Dương Nội đã có đơn gửi UBND TP. Hà Nội, các sở, ngành liên quan và chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường, cũng như đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ khu đô thị Nam Cường, kiến nghị xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí nặng suốt gần 1 năm rưỡi qua. Sau đó vài tuần, cuộc sống của cư dân nơi đây đã bình yên hơn, không khí cũng trong lành hơn do không còn mùi khét tỏa ra từ các cơ sở sản xuất đã bị cơ quan chức năng khoanh vùng.
Tuy nhiên, tuần qua, mùi khét nhựa bắt đầu trở lại sau một thời gian im ắng. Ngay lập tức, Ban quản trị tòa nhà nơi đây đã thông báo cho phía Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Công an TP. Hà Nội trực tiếp xuống xác minh hiện trường, xử lý theo đúng lời hứa trước đó “Khi nào có mùi, cứ gọi PC49”.
Các DN bị khoanh vùng cãi “không”
Tại buổi làm việc sáng ngày 9/6 giữa Ban quản trị và Ban quản lý chung cư với các bên liên quan về vấn đề ô nhiễm và ngập lụt tại khu vực tòa nhà HH2 dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bá Phùng, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa, đơn vị chức năng cho hay, “qua xác minh có 4 công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sơn nhựa trong cụm công nghiệp đang bị nghi ngờ là đối tượng gây ra ô nhiễm.
Cụ thể là Công ty TNHH Sơn Thành, Công ty TNHH Sông Công, Công ty TNHH Sơn U.R.URAI (Việt Nam) và Công ty Nhiệt Phát Lộc.Trong đó, theo ông Lưu Thành Chung, cảnh sát môi trường phụ trách quận Hà Đông, có 3 công ty được cấp giấy phép kinh doanh, còn Công ty Nhiệt Phát Lộc thì chưa có giấy chứng nhận kinh doanh, đang thuê lại đất để hoạt động. Để xử lý triệt để, vị đại diện cơ quan cảnh sát môi trường quận Thanh Xuân đề nghị UBND phường Yên Nghĩa kiến nghị UBND quận Hà Đông lập đoàn liên ngành kiểm tra xử lý triệt để và mời các đơn vị quan trắc để đo nồng độ ô nhiễm khí thải làm căn cứ để xử lý.
Về phía Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hà Đông, bà Quản Thị Nam, chuyên viên phòng này cũng đề nghị rà soát địa chỉ cụ thể các doanh nghiệp sản xuất sơn nhựa sau đó sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra xử lý nếu có vi phạm.
Dù cơ quan chức năng đã khoanh vùng các đối tượng có dấu hiệu nghi ngờ, tuy nhiên sau gần 1,5 tháng kể từ khi khoanh vùng, vẫn chưa có kết luận cụ thể nào về danh tính đối tượng gây ô nhiễm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trong cuộc họp mới đây cũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa báo cáo cụ thể về vấn đề ô nhiễm tại Dương Nội. Trong cuộc trao đổi với Ban quản trị các tòa nhà gần đây, Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa vẫn tiếp tục trấn an cư dân khi cho rằng, đang thúc giục các bên liên quan vào cuộc. PC 49 thì cho biết, đang lấy mẫu và phân tích mẫu các nhà máy tại 4 doanh nghiệp trên để cho ra kết quả cuối cùng.
Trong khi đó, chia sẻ với Đầu tư
Bất động sản qua điện thoại, lãnh đạo của 2/4 doanh nghiệp trên đều phủ nhận thông tin hoạt động của công ty mình gây ô nhiễm trở lại.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, bà Đỗ Thị Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Thành cho biết: “Công ty hoạt động xuất - kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng bằng cao su, săm lốp xe, gioăng, phụ tùng nhựa xe máy, cơ khí làm mới, thiết bị y tế nên cứ làm xong, bay hơi là hết chứ không có vấn đề gì, không liên quan đến gây ô nhiễm không khí như phản ánh của cư dân”.
Còn về phía Công ty TNHH Sông Công Hà Đông, ông Trần Quang Khải, Phó giám đốc Công ty cho hay: “Công ty không làm gì để gây ra khói bụi, nếu có gì thì đã bị cơ quan quản lý tuýt còi lâu rồi, nếu nghi ngờ thì có thể liên hệ với các cơ quan quản lý môi trường để tìm hiểu kỹ hơn”.
Như vậy, đang có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các đơn vị đã từng bị quy là thủ phạm gây ô nhiễm tại Khu đô thị Dương Nội. Trong khi đó, các cơ quan chức năng cấp phường, cấp quận cũng như chủ đầu tư vẫn chưa có những động thái rốt ráo xử lý câu chuyện này. Chỉ có người dân khu đô thị này vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với ô nhiễm và chờ đợi… cấp cao hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com