Mỹ "vừa đánh, vừa đàm"
Thuế đối ứng của Tổng thống Trump đã làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái và khiến cổ phiếu trên toàn thế giới giảm mạnh.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đã mất gần 6.000 tỷ USD giá trị vốn hóa kể từ khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế đối ứng vào ngày 2/4.
S&P 500 đã hứng chịu mức giảm sâu nhất trong 4 ngày kể từ khi chỉ số này được thiết lập vào những năm 1950. Thậm chí, nó đang tiến gần đến thị trường giá xuống, một khái niệm gắn với mức giảm 20% so với đỉnh giá thiết lập gần nhất.
Làn sóng bán tháo trên khắp các thị trường châu Á vẫn tiếp diễn trong phiên giao dịch 9/4 sau một thời gian ngắn tạm lắng, với chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 3% còn đồng won của Hàn Quốc trượt xuống mức thấp nhất trong hơn 16 năm.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm trên tay sắc lệnh hành pháp đã ký sau khi phát biểu về thuế đối ứng tại một sự kiện diễn ra ở Nhà Trắng vào ngày 2/4/2025. Ảnh: AFP |
Tổng thống Trump đã đưa cho các nhà đầu tư những tín hiệu trái chiều về việc liệu thuế quan có tiếp tục trong dài hạn hay không. Một mặt ông mô tả thuế quan là "lâu dài" nhưng cũng cho thấy chúng là công cụ gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo khác phải đề nghị đàm phán.
"Chúng tôi thấy rất nhiều quốc gia muốn đạt được thỏa thuận", ông Trump phát biểu tại một sự kiện của Nhà Trắng vào chiều 8/4.
Nhà Trắng đã lên lịch đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận và là đối tác thương mại lớn của Washington. Ngoài ra, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni dự kiến sẽ đến thăm Mỹ vào tuần tới.
Về phía Việt Nam, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, dự kiến sẽ có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent vào cuối ngày 9/4, theo Reuters.
Triển vọng về các thỏa thuận thương mại giữa các quốc gia với Mỹ đã kéo thị trường chứng khoán Mỹ nhích lên vào đầu phiên giao dịch 8/4, nhưng thị trường sau đó đảo chiều và vẫn đóng cửa trong sắc đỏ sau những tuyên bố cứng rắn về thuế quan của cả Mỹ và Trung Quốc.
Nhà Trắng và Tổng thống Trump đã có những phát biểu trấn an nhằm gạt bỏ những lo ngại về đà lao dốc của thị trường chứng khoán. "Nước Mỹ sẽ sớm rất giàu có trở lại", ông Trump nhận định.
Trung Quốc khẳng định đáp trả
Với quyết định áp thuế lên tới 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, Tổng thống Trump đã gần như tăng gấp đôi thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn đã được ấn định ở mức 54% vào tuần trước. Quyết định này là phản ứng cứng rắn của Washington nhằm đáp trả các mức thuế trả đũa mà Bắc Kinh công bố vào tuần trước.
Phía Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại những gì họ coi là "hăm dọa", đồng thời khẳng định họ có kế hoạch tiếp tục tăng thuế đối với hàng hóa của Mỹ, bất chấp thái độ của ông Trump.
"Chiến tranh thương mại và thuế quan không có người chiến thắng, và chủ nghĩa bảo hộ không dẫn đến đâu cả. Người Trung Quốc chúng tôi không phải là những kẻ gây rối, nhưng chúng tôi sẽ không nao núng khi gặp rắc rối. Những lời đe dọa, hăm dọa không phải là cách đúng đắn để giao thiệp với Trung Quốc", một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Các công ty môi giới hàng đầu của Trung Quốc cũng đã cam kết hợp tác để giúp ổn định giá cổ phiếu trong nước để ứng phó với tình trạng hỗn loạn do thuế quan gây ra.
Sau Trung Quốc, Lesotho là quốc gia chịu mức thuế đơn lẻ lớn nhất trong vòng áp thuế mới của Tổng thống Trump. Cụ thể, hàng xuất khẩu của quốc gia châu Phi này sang Mỹ phải chịu mức thuế 50%.
Tiếp đến là Campuchia, với hàng nhập khẩu từ quốc gia này vào Mỹ phải chịu mức thuế 49% từ ngày 9/4. Hai quốc gia Đông Nam Á khác là Lào và Việt Nam bị áp mức thuế lần lượt lên tới 48% và 46%.
Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cả mọi hàng hóa tăng đáng kể, từ giày thể thao đến rượu vang, do hậu quả của chiến tranh thương mại.
Có thể phải mất một thời gian nữa, thị trường hàng hóa mới cảm nhận được tác động đầy đủ của "cú đấm thép" thuế quan ngày 9/4, bởi bất kỳ hàng hóa nào đã quá cảnh sau lúc 00:00 ngày 9/4 sẽ được miễn thuế mới của Mỹ, miễn là chúng cập bến trước ngày 27/5.
Gần 3/4 người Mỹ dự đoán giá cả các mặt hàng hàng ngày sẽ tăng trong 6 tháng tới, theo kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos.
Trước đó, Mỹ đã kích hoạt áp dụng mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả đối tác thương mại từ ngày 5/4, một phần trong kế hoạch thuế đối ứng mà Tổng thống Trump công bố ngày 2/4.