Thống lĩnh bán lẻ
Theo thống kê của KPMG Việt Nam, trong 10 thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tiêu biểu nửa đầu năm 2016, lĩnh vực bán lẻ có 2 thương vụ đạt giá trị giao dịch lớn nhất và đều thuộc về nhà đầu tư Thái Lan.
Đó là các thương vụ Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá hơn 1 tỷ USD; TCC Holding mua đứt chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của Tập đoàn Metro Cash & Carry International (Đức) với giá 695 triệu USD.
Tại B’Mart, người Thái đã thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, đồng thời dịch chuyển hàng Thái thế dần chỗ của hàng Việt
Trước đó, năm 2015, một nhà đầu tư khác của Thái Lan là Power Buy cũng mua 49% cổ phần của doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim với giá 200 triệu USD.
Năm 2013, tỷ phú người Thái Lan Chearavanont (BJC) mua đứt hệ thống cửa hàng bán lẻ hợp tác giữa Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) và đối tác của Nhật Bản là Family Mart, sau đổi tên thành B’smart.
Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng thương mại bán lẻ tại Việt Nam đạt 11,9%, quy mô thị trưởng khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45%.
Miếng bánh hấp dẫn này dĩ nhiên đã được người Thái để tâm và nhanh chân nắm bắt thông qua việc thâu tóm các hệ thống bán lẻ hiện đại có vị trí đẹp tại Việt Nam.
Từ chỗ chỉ xuất hiện cùng kệ với vô vàn sản phẩm từ các quốc gia khác, giờ đây đã xuất hiện các cửa hàng chuyên đồ Thái và hiện có hẳn những siêu thị, trung tâm thương mại của chính họ tại Việt Nam.
Đơn cử tại B’Mart, người Thái đã thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, đồng thời dịch chuyển hàng Thái thế dần chỗ của hàng Việt. Chỉ sau 2 năm, hàng Thái đã chiếm 60% trong siêu thị này, thế chỗ của hàng Việt và hàng Nhật trước đây.
Tại Metro Hà Nội, sau khi về tay người Thái, các gian trưng bày 100% hàng hóa “Made in Thailand” hiện diện ngay tại cửa ra vào. Phía trong, hàng Thái được bày xen kẽ với hàng sản xuất tại Việt Nam. Không ít những sản phẩm vốn rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam đã được thay thế bằng hàng xuất xứ từ Thái Lan trên các kệ.
Dù chưa có kết luận của cơ quan chức năng về việc hàng Thái chiếm tỷ trọng ra sao và những hàng Việt nào đã bị đẩy ra khỏi danh sách cung ứng tại Metro, song tương lai của các hàng hóa “Made in Vietnam” có thể đoán định trước, khi nhìn vào thực tế B’Mart hay câu chuyện 22 cửa hàng của Thế giới Di động phải rời khỏi hệ thống Big C sau khi đại siêu thị này về tay người Thái.
Tại Metro Hà Nội, sau khi về tay người Thái, các gian trưng bày 100% hàng hóa “Made in Thailand” hiện diện ngay tại cửa ra vào.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2016, hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Thái Lan rất đa dạng về chủng loại và có sự gia tăng mạnh về kim ngạch so với các năm trước (xem bảng). Không chỉ tràn vào Việt Nam qua đường chính ngạch, hàng Thái sang Việt Nam còn qua kênh tiểu ngạch, xách tay.
Với mức thuế nhập khẩu hấp dẫn, đa phần chỉ là 0% cho hơn 95% chủng loại hàng hóa và sự lưu thông dễ dàng giữa hai nước nhờ quy định miễn thị thực được áp dụng 15 năm qua, thương nhân hai nước có thể dễ dàng gặp nhau trao đổi, hợp tác phân phối hàng hóa.
Bên cạnh đó, người Thái luôn có những chính sách ưu đãi lâu dài với các đối tác ở Việt Nam. Một công ty chuyên phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan từ năm 2007 cho biết, người Thái rất khuyến khích đưa hàng vào siêu thị. Nếu mua ở các cửa hàng thông thường, khách hàng sẽ ít có cơ hội hưởng chính sách khuyến mãi. Những cá nhân muốn mở đại lý bán hàng Thái Lan cũng có kênh riêng để tiếp cận chính sách chiết khấu, thanh toán hấp dẫn.
Ô tô Thái Lan đổ bộ
Cùng với những đại siêu thị của người Thái và sự hiện diện tự tin của hàng hoá Thái Lan trên kệ siêu thị tại Việt Nam, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang ồ ạt tràn vào Việt Nam như một lẽ hiển nhiên.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan cũng đang ồ ạt tràn vào Việt Nam như một lẽ hiển nhiên.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đạt 82.743 chiếc, với kim ngạch xấp xỉ 1,8 tỷ USD. Trong đó, có tới 26.790 chiếc được nhập từ Thái Lan, với kim ngạch 499,6 triệu USD.
Như vậy, cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 chiếc xe đến từ Thái Lan.
Theo lộ trình thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã giảm từ 50% về 40%, năm 2017 giảm về 30% và đến năm 2018 về 0%. Với thực tế này, các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Thái Lan, Indonesia đang trực tiếp được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu bắt đầu giảm. Nhiều dự báo cho rằng, xe Thái Lan sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam khi thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018, áp dụng chung cho khu vực ASEAN.
Có dân số khoảng 57 triệu người, kém xa so với Việt Nam, nhưng lượng xe ô tô sản xuất tại Thái Lan đạt 2,1 - 2,4 triệu chiếc/năm, thuộc Top 10 nước sản xuất ô tô lớn nhất và bỏ xa mức 200.000 - 300.000 xe/năm của Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô tại Thái Lan đã giúp tạo ra hơn 1 triệu việc làm và đóng góp hơn 12% GDP cho đất nước này.
Cứ 3 xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu thì có 1 chiếc xe đến từ Thái Lan.
Theo ông Lâm Chí Quang, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam, trên thế giới, nước nào có trên 30 triệu dân đều phải tập trung phát triển công nghiệp ô tô, trừ Myanmar là trường hợp cá biệt. Bởi vậy, tại ASEAN, Malaysia, Indonesia hay Việt Nam cũng rất kỳ vọng có được ngành công nghiệp ô tô lớn mạnh.
Tại Indonesia, công nghiệp ô tô gần đây tăng trưởng mạnh, với tốc độ tăng bình quân đạt 20%/năm, sản lượng và doanh số bán hàng năm 2013 là trên 1,2 triệu xe. Để kích thích phát triển sản xuất trong nước, tại Quy hoạch Phát triển kinh tế Indonesia giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ nước này đã xác định, công nghiệp ô tô là ngành có vai trò cốt lõi trong phát triển kinh tế đất nước.
Tại Việt Nam, với thực tế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện từ Thái Lan đang tăng nhanh chóng kể từ năm 2014 trở lại đây, cơ hội biếu không thị trường nội địa béo bở, đầy tiềm năng, cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động trong ngành ô tô của nước láng giềng ngày càng trở nên rõ hơn, nếu không có những giải pháp cụ thể, kịp thời.
Chia sẻ về độ mở của nền kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích, hiện nay, độ mở kinh tế Việt Nam là 170% GDP, tức là kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vào khoảng 340 tỷ USD, trong khi GDP là 200 tỷ USD.
“Trong quá trình hội nhập, độ mở của nền kinh tế quá lớn như vậy sẽ rất khó kiểm soát trước tình hình biến động kinh tế thế giới. Các nước có độ mở lớn như Singapore, Ireland đều có dân số chỉ vài triệu dân, trong khi Việt Nam hơn 93 triệu dân”, ông Ngân nói và nhấn mạnh, thiết kế chính sách cần quan tâm đặc biệt đến việc khai thác thế mạnh của thị trường nội địa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Các chuyên gia cho rằng, hội nhập quốc tế xét cho cùng là mở rộng thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, từ Mỹ đến EU, từ Hàn Quốc đến Nhật Bản, không ai mở cửa chỉ để nhập khẩu hàng tiêu dùng và bóp nghẹt sản xuất trong nước. Các vụ tranh chấp thương mại đều cho thấy một xu hướng không thể rõ hơn trong thương mại thế giới, đó là bảo hộ cho đến khi nào WTO còn cho phép.