Ảnh Internet

Ảnh Internet

CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC): Doanh thu quý III giảm 62%, dòng tiền âm

0:00 / 0:00
0:00

Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (mã IJC – sàn HoSE) công bố báo cáo tài chính quý III/2020.

Theo đó, trong quý III/2020 IJC ghi nhận doanh thu đạt 298,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 64,3 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 62% và 0,2% so với cùng kỳ. trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ năm 16,1% lên 45,8%.

Trong kỳ, các chi chi phí khác biến động không đáng kể ngoại trừ chi phí tài chính tăng tới 54,9% lên 41,2 tỷ đồng.

Được biết, biên lợi nhuận gộp cải thiện do cùng kỳ năm 2019 IJC có ghi nhận doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (BCM) với doanh thu là 593,1 tỷ đồng, mặc dù ghi nhận doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không đáng kể, điều đó tạo nên biên lợi nhuận gộp thấp trong quý III/2019.

Trong quý III/2020 IJC ghi nhận doanh thu với bên liên quan không đáng kể, vì vậy biên lợi nhuận gộp tăng cao.

Ngoài ra, trong quý III/2020 chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do chi phí lãi vay là 24,4 tỷ đồng, cũng như chi phí dịch vụ ngân hàng 3,4 tỷ đồng, chi phí lãi cổ tức trả chậm 13,3 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng IJC ghi nhận doanh thu đạt 1.839,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 224 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30,7% và giảm 10,4% so với 9 tháng đầu năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm IJC hoàn thành 89,6% kế hoạch lợi nhuận.

Trong năm 2020 IJC đặt kế hoạch doanh thu là 2.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 250 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 28% và giảm 12% so với thực hiện năm 2019.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm tới 205 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 895,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tài chính cũng dương 243,6 tỷ đồng, chủ yếu là vay nợ ròng.

Tính tới 30/09/2020, tổng tài sản của IJC giảm 3,1% về 6.467 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 3.629,9 tỷ đồng, chiếm 56,1% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 820,3 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 548,3 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng tài sản.

Trong kỳ, lượng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn khá khiêm tốn, giảm 38% so với đầu năm, tương ứng giảm 62,1 tỷ đồng về chỉ còn 101,2 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn trên tổng tài sản đã giảm từ 2,4% về còn 1,6%.

Ngoài ra, trong kỳ tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 10,1% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 75,8 tỷ đồng lên 826,7 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn trên tổng nguồn vốn tăng từ 11,2% lên 12,8% so với đầu năm.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của IJC cho thấy không khả quan về dòng tiền hoạt động kinh doanh 9 tháng âm, ngoài ra là chi phí tài chính có dấu hiệu tăng mạnh cũng đã làm cho lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.

Mặc dù kết quả kinh doanh không tích cực nhưng IJC vừa công bố kế hoạch đấu giá 80 triệu cổ phiếu IJC trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) trong giai đoạn cuối năm với mục đích đầu tư giai đoạn tiếp theo dự án Sunflower và IJC Aroma.

Được biết, trong nhiều năm qua IJC dùng phần lớn lợi nhuận có được để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, cổ tức năm 2016 là 8%, năm 2017 là 10%, năm 2018 là 12%, năm 2019 là 10% và dự kiến năm 2020 là 10%.

Chính vì chính sách trả gần hết lợi nhuận nên lượng tiền và đầu tư tài hính chỉ chiếm 1,6% tổng tài sản, tương ứng với 101,2 tỷ đồng.

Mặc dù vậy IJC lại thực hiện việc huy động vốn bằng cách phát hành thêm vốn cho cổ đông bên ngoài thông qua đấu giá trên HoSE. Điều này sẽ gây khó khăn cho cổ đông bên ngoài khi quyết định tham gia đấu giá bởi vì IJC biết rằng nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng lại lấy tiền trả gần hết cho cổ đông hiện hữu, sau đó muốn mở rộng lại huy động cổ đông bên ngoài, không dồn nguồn lực phát triển doanh nghiệp và sau đó trả cổ tức sau.

Tin bài liên quan