LM8 muốn tìm cho đủ 1/3 số thành viên HĐQT là độc lập
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Phương Anh, thành viên HĐQT không điều hành kiêm Người công bố thông tin của LM8 cho biết, đây là năm đầu tiên Công ty thực hiện việc gửi thư ngỏ đến các cổ đông đề nghị những người đủ điều kiện về thời gian và số lượng nắm giữ cổ phần hãy tham gia đề cử ứng viên HĐQT hoặc Ban Kiểm soát.
Lý do khiến LM8 thực hiện công việc này là Nghị định 71/2017/NĐ-CP quy định: “Cơ cấu thành viên HĐQT của công ty niêm yết phải đảm bảo tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập”.
Hiện LM8 có 5 thành viên HĐQT, trong đó có Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Ân là thành viên chuyên trách, 3 nhân sự HĐQT kiêm điều hành và 1 nhân sự thành viên không điều hành. Ra đời từ năm 1977, LM8 là một trong những thành viên mạnh của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam.
Hiện Tổng công ty vẫn là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 51% vốn tại LM8. Sau cổ đông này, LM8 có 2 cổ đông lớn khác nắm trên 5% vốn là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (8,09%) và ông Nguyễn Ngọc Đông (8,4%).
Ông Phương Anh cho biết, Tổng công ty mẹ đã kế hoạch thoái vốn tại LM8 để giảm sở hữu từ 51% vốn xuống 36% vốn. Tuy nhiên, thời hạn cụ thể chưa được xác định. Trong bối cảnh cổ đông khá cô đặc, LM8 ở trong tình trạng thanh khoản rất thấp, cổ phiếu gần như đóng băng giao dịch trên sàn, dù DN này có lịch sử niêm yết gần 10 năm với khởi đầu rất tích cực.
Việc cổ phiếu không có giao dịch là câu chuyện khó tìm lời giải từ phía DN, bởi giao dịch được hình thành khi nhà đầu tư có nhu cầu mua - bán cổ phiếu.
Tuy nhiên, việc DN nỗ lực tìm kiếm thành viên HĐQT độc lập là một động thái tích cực cho thấy, DN mong muốn cải thiện cấu trúc HĐQT, từ đó hy vọng DN sẽ tăng tính tương tác với cổ đông, nhà đầu tư, tình trạng đóng băng cổ phiếu trên sàn sẽ giảm dần.
“Khám” sự tuân thủ quy định về HĐQT của các Doanh nghiệp niêm yết
Từ câu chuyện của LM8, nhìn rộng ra toàn thị trường hiện nay có bao nhiêu DN niêm yết tuân thủ quy định của Nghị định 71/2018/NĐ-CP về tổ chức HĐQT? Câu trả lời có thể thấy rõ thông qua kết quả khảo sát cơ cấu HĐQT của nhóm các chuyên gia hỗ trợ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018 mới đây.
Sự tham gia của thành viên độc lập trong HĐQT nhằm đảm bảo tính khách quan và độc lập của cơ quan này trong cấu trúc DN, bởi đây là tiền đề để HĐQT thực hiện việc giám sát một cách có hiệu quả, ngăn ngừa xung đột lợi ích và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Theo đó, Điều 13 Nghị định 71 quy định, cơ cấu HĐQT công ty niêm yết phải đạt tối thiểu 1/3 số thành viên là thành viên độc lập. Thực tế “khám” gần 500 DN niêm yết trên 2 Sở GDCK Việt Nam cho ra kết quả là chỉ có 47 công ty thực hiện được yêu cầu này.
Tỷ lệ DN niêm yết đáp ứng 1/3 HĐQT là độc lập chiếm chưa tới 10%.
Số DN đáp ứng được chiếm gần 10% DN được đánh giá, cho thấy, mặc dù Nghị định 71 có hiệu lực thi hành từ tháng 8/2017, nhưng mức độ đáp ứng của đa số DN đối với quy định này là rất thấp.
Một đo lường đáng quan tâm khác là tính đa dạng của HĐQT. HĐQT nếu có các thành viên đa dạng về chuyên môn, kinh nghiệm, độ tuổi sẽ cho phép HĐQT có được các góc nhìn đa chiều về một vấn đề, có thể đưa ra các cách nhìn nhận và đề xuất giải quyết vấn đề đa dạng, tầm nhìn rộng.
Tính đa dạng chuyên môn, lĩnh vực của HĐQT.
Ở đo lường này, tỷ lệ các DN đáp ứng yêu cầu đa dạng chuyên môn, lĩnh vực ngành nghề của các thành viên HĐQT là 47% DN. Nghiên cứu cũng cho thấy, sự đa dạng của thành viên HĐQT ở nhóm DN lớn đạt tỷ lệ cao, 84% DN, cao hơn so với nhóm DN có quy mô vừa và nhỏ hơn.
Về giới tính, thông lệ quốc tế về HĐQT cho thấy, nếu DN có sự đa dạng về giới tính trong bộ máy lãnh đạo cao nhất sẽ đem lai một sự hài hoà trong cách nhìn nhận vấn đề của HĐQT, cho phép các nghị quyết của HĐQT được toàn diện, nhiều chiều hơn.
Tỷ lệ về giới tính trong HĐQT của DN niêm yết.
Cân bằng giới tính trong HĐQT là một tiêu chuẩn quản trị công ty tốt đang được khích lệ ở nhiều nước trên thế giới. Trên TTCK Việt Nam, hiện chỉ có gần 55% DN có thành viên nữ trong HĐQT, còn lại trên 45% DN niêm yết có HĐQT toàn nam.
Trở lại với câu chuyện của LM8, dù vấn đề về giới tính, trình độ chuyên môn của ứng viên HĐQT độc lập chưa được DN nêu lên trong cơ cấu HĐQT, nhưng việc LM8 công khai nhờ cổ đông cùng hợp sức tìm ứng viên HĐQT độc lập là điểm các DN khác nên tham khảo trước mùa Đại hội đồng cổ đông 2019 sắp tới.
Nếu các DN xây dựng được HĐQT cân bằng và hiệu quả thì lợi ích cuối cùng cũng thuộc về các cổ đông. Tuy nhiên, điểm khó khăn nhất với các DN là làm thế nào để tìm được thành viên HĐQT phù hợp với ngành nghề, văn hóa và khát vọng phát triển của các DN. Đây cũng là khoảng trống về nhân sự chất lượng cao trên TTCK Việt Nam mà chưa có giải pháp lấp đầy.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên TTCK Việt Nam năm 2018 là việc ra đời của CTCP Doanh nghiệp xã hội Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) - tổ chức tư nhân độc lập đầu tiên hoạt động phi lợi nhuận, nhằm thúc đẩy các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất trong quản trị công ty trong nước chính thức ra mắt tại Việt Nam. Mục tiêu của VIOD là thúc đẩy sự chuyên nghiệp của HĐQT, nâng cao đạo đức kinh doanh và tính minh bạch, thiết lập một mạng lưới các thành viên HĐQT độc lập, xây dựng mạng lưới kết nối các lãnh đạo DN với các bên có quyền lợi liên quan và giúp DN cải thiện niềm tin của nhà đầu tư.
Trước thực tế các DN niêm yết, DN đại chúng tại Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được cơ cấu tổ chức HĐQT chuyên nghiệp, với số thành viên độc lập đủ quy định, hoạt động của VIOD được kỳ vọng sẽ cung cấp một đội ngũ các chuyên gia xứng tầm, thực hiện chức năng thành viên HĐQT độc lập, hỗ trợ cho sự phát triển của các DN niêm yết, DN đại chúng Việt Nam.