CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng: Nhóm cổ đông lớn chiếm giữ trụ sở Công ty

CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng: Nhóm cổ đông lớn chiếm giữ trụ sở Công ty

(ĐTCK) Cuộc đấu tranh của nhóm cổ đông lớn và nhóm cổ đông thiểu số tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng (CNP) tiếp tục diễn biến căng thẳng.

CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng: Nhóm cổ đông lớn chiếm giữ trụ sở Công ty ảnh 1Người lao động trong Công ty CNP bị những người bà Hải thuê chặn cổng, không cho vào làm việc trước sự có mặt của công an phường

 

Hiện trạng CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng

Sau ngày nhóm cổ đông lớn tự tổ chức ĐHCĐ, nhóm cổ đông thiểu số đã có đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy bỏ toàn bộ các nghị quyết được Đại hội tuyên trái luật. Trước sự đấu tranh của nhóm cổ đông thiểu số (đại diện cho hơn 30% vốn điều lệ) của Công ty CNP, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã ra Quyết định số 222/2013/QĐ-BPKCTT đình chỉ thi hành án, buộc nhóm cổ đông lớn phải bàn giao con dấu cho bà Nguyễn Thị Tuyết Len, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật hợp pháp của Công ty. Cơ quan thi hành án Hải Phòng cũng đã ra quyết định đình chỉ thi hành án với bà Len để khôi phục các quyền lợi của bà theo quy định của pháp luật, với tư cách là người đại diện theo pháp luật hợp pháp của CNP (xem thêm ĐTCK số 66, ra ngày 3/6/2013).

Tuy nhiên, ngay sau khi Tòa án ra các quyết định trên, ngày 2/7/2013, nhóm cổ đông lớn bất ngờ thuê khoảng 100 người tiến hành bao vây trụ sở Công ty CNP, ngăn cản không cho các cổ đông bình thường và người lao động đến Công ty làm việc. Hiện trạng này khiến không chỉ nhóm cổ đông thiểu số bức xúc, mà nhiều người lao động trong CNP cũng rất bức xúc và đang chờ đợi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của cơ quan chức năng để phân xử đúng sai tại Công ty này.

 

Cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng Hải Phòng

Gần 3 năm sau khi cổ phần hóa, Công ty CNP luôn ở trong tình trạng bất ổn, cán bộ nhân viên không yên tâm để làm việc, nhất là sau khi ở Công ty xuất hiện nhóm cổ đông lớn, tìm mọi cách thâu tóm cổ phiếu, thâu tóm quyền điều hành Công ty. Hiện CNP có 1 trụ sở chính và 11 địa điểm kinh doanh tại các vị trí đắc địa trên địa bàn Hải Phòng. Khối tài sản này, theo nhiều người đánh giá, là chưa được định giá hết trong quá trình cổ phần hóa và đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến tranh chấp bùng phát và bùng phát ngày càng dữ dội tại Công ty CNP. Hành vi chiếm giữ trụ sở CNP là bước cuối cùng mà nhóm cổ đông lớn do bà Hải cầm đầu tiến hành, nhằm hợp thức hóa việc chiếm trọn vẹn Công ty. Tuy nhiên, việc bà Hải và nhóm cổ đông lớn có quyền chiếm giữ trụ sở Công ty như trên hay không; những nghị quyết được nhóm này tự tuyên trong ĐHCĐ có giá trị pháp lý hay không, đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, làm sáng tỏ.

Năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Thành phố Hải Phòng - một trong những vùng trọng điểm kinh tế tại đồng bằng Bắc Bộ - chỉ có thứ hạng 50/63 tỉnh thành, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2007. So sánh riêng với các thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng chỉ xếp trên Hà Nội về chỉ số năng lực cạnh tranh. Trong 9 chỉ số so sánh, nhiều chỉ số Hải Phòng có thứ hạng thấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh và đầu tư tại đây. Hải Phòng có năng lực cạnh tranh thấp là do nhiều nguyên nhân, nhưng việc giải quyết dứt điểm những vụ việc tranh chấp như tại Công ty CNP và xử lý nghiêm minh những người sai phạm sẽ góp phần lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và cải thiện chỉ số PCI của Thành phố.

CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng: Nhóm cổ đông lớn chiếm giữ trụ sở Công ty ảnh 2

CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng: Nhóm cổ đông lớn chiếm giữ trụ sở Công ty ảnh 3