Trên nền tảng sức khỏe tài chính của các CTCK vững hơn, Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam Dương Văn Thanh cho biết, VSD đã chuẩn bị hệ thống và sẵn sàng triển khai việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2, kể từ năm 2016.
Là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức điều hành hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán, xin ông cho biết đánh giá của VSD về tính tuân thủ của thành viên lưu ký, đặc biệt là khối CTCK, trong việc chấp hành nghĩa vụ thanh toán trong năm 2015?
Trong năm 2015, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, hoạt động của TTCK có nhiều dấu hiệu tích cực, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cao và ổn định hơn các năm trước đó. Giá trị thanh toán giao dịch do VSD thực hiện trong năm 2015 cũng cao hơn so với cùng kỳ các năm 2013 và 2014 (trên 1.636.770 tỷ đồng, tính đến ngày 25/10/2015).
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là mặc dù giá trị thanh toán giao dịch tăng, nhưng kỷ luật thanh toán của thị trường đã được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành quy định về thanh toán của các thành viên được cải thiện rất nhiều. Điều này được thể hiện thông qua số lần xử lý hồ sơ sửa lỗi sau giao dịch tại VSD giảm đáng kể so với các năm trước đó.
Đặc biệt, trong năm 2015 chỉ có duy nhất một thành viên lưu ký phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán với số tiền 673 triệu đồng (VSD đang thực hiện thu hồi giấy phép với thành viên này). Trong khi năm 2013, 2014 có nhiều thành viên lưu ký phải sử dụng Quỹ hỗ trợ thanh toán với số tiền là 21,65 tỷ đồng và 10 tỷ đồng.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán nêu trên đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo cho sự vận hành ổn định, an toàn và thông suốt của TTCK năm 2015.
Ông Duơng Văn Thanh
Xin ông cho biết các giải pháp đã được thực hiện để có được những kết quả tích cực nêu trên?
Theo chúng tôi, các kết quả đạt được trong hoạt động thanh toán giao dịch có được là nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phía cơ quan quản lý và vận hành thị trường, cụ thể là:
Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý thị trường là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong những năm qua đã nỗ lực đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường, trong đó việc tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán bao gồm các công ty chứng khoán đến nay đã thu được các kết quả khả quan.
Thông qua công tác này, số lượng các công ty chứng khoán giảm xuống, nhưng năng lực tài chính, quan trị nâng lên qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nói chung của các thành viên.
Thứ hai, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 05/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các thành viên trong việc thực hiện hoạt động nghiệp vụ nhưng mặt khác lại quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với các vi phạm của thành viên cũng đã giúp nâng cao ý thức tuân thủ hoạt động thanh toán từ phía các thành viên thị trường.
Thứ ba, công tác tổ chức, điều hành hoạt động thanh toán của VSD và việc phối hợp với các thành viên lưu ký trong việc xử lý các hoạt động nghiệp vụ đã được thực hiện tốt.
Các cơ chế chính sách mới liên quan đến hoạt động của thị trường đều được VSD thông tin kịp thời cho các thành viên thị trường; các vấn đề phát sinh trong hoạt động thanh toán ngoài phạm vi thẩm quyền của VSD đều được báo cáo cơ quan quản lý để xử lý kịp thời nên không có những vi phạm đáng tiếc gây ảnh hưởng đến hoạt động chung của thị trường.
Theo kế hoạch đề ra, bắt đầu từ 1/1/2016, VSD sẽ triển khai rút ngắn thời gian thanh toán từ sáng ngày T+3 xuống T+2, Ông có thể cho biết liệu kế hoạch này có khả thi?
Việc rút ngắn thời gian thanh toán là mục tiêu chung của các TTCK quốc tế. Thông thường, các thị trường khi thực hiện rút ngắn thời gian thanh toán đều phải đánh giá kỹ tác động để tránh gây ra rủi ro cho các hoạt động của thị trường, cũng như cần có thời gian đủ dài để chuẩn bị thực hiện.
Đối với thị trường Việt Nam, qua đánh giá của chúng tôi, hiện các điều kiện để triển khai rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán đã hội đủ. Trong năm 2015, phương án rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 đã được VSD xây dựng và trình UBCK xem xét, thông qua.
Phương án này sau đó đã được gửi lấy ý kiến của các thành viên thị trường và được đón nhận tích cực. Hiện nay công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, dự thảo Quy chế hướng dẫn hoạt động bù trừ thanh toán đã được VSD công bố. Các chức năng của hệ thống phần mềm cũng đã được VSD hiệu chỉnh và sẵn sàng cho việc triển khai theo đúng kế hoạch từ 1/1/2016.
Theo dự kiến, TTCK phái sinh Việt Nam sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2016. Hiện VSD đã có những bước chuẩn bị như thế nào để góp phần vào việc triển khai chức năng bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh?
Theo phương án tổ chức thị trường chứng khoán phái sinh, VSD sẽ thực hiện chức năng bù trừ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán phái sinh theo mô hình đối tác trung tâm (CCP). Xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng và để có thể triển khai khi thị trường đi vào hoạt động trong năm 2016, VSD đã tích cực tiến hành công tác chuẩn bị ở các mặt sau:
Về chuẩn bị hành lang pháp lý: Trên cơ sở Nghị định 45/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh đã được Chính phủ ban hành, hiện VSD đang tham gia vào quá trình xây dựng nội dung Thông tư hướng dẫn do UBCK chủ trì soạn thảo. Song song với đó, dự thảo các quy chế hướng dẫn hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh cũng đang được VSD tích cực thực hiện để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ giữa các hệ thống văn bản ngay khi thị trường hoạt động.
Về xây dựng hệ thống: công tác xây dựng hệ thống kĩ thuật sẵn sàng cho việc triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh hiện đang được VSD khẩn trương thực hiện. Phương án về mô hình hệ thống sẽ được VSD công bố trong thời gian tới để các thành viên thị trường biết và phối hợp triển khai.
Dựa trên các phương án về hoạt động và mô hình hệ thống, một trong những công tác ưu tiên trong năm 2016 của VSD sẽ là phối hợp với Sở giao dịch và UBCK đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đào tạo thành viên thị trường, công chúng đầu tư nhằm trang bị cho các chủ thể tham gia thị trường các kiến thức cần thiết khi thị trường đi vào hoạt động.