Tăng vốn còn giúp các CTCK đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng

Tăng vốn còn giúp các CTCK đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng

CTCK nỗ lực tăng vốn để tham gia thị trường phái sinh

(ĐTCK) TTCK phái sinh dự kiến đi vào vận hành từ năm 2016, theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP, các CTCK phải có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ ở mức cao mới được tham gia. Vì thế, các CTCK đang nỗ lực tăng vốn để không bị đứng ngoài thị trường này.

Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh được Chính phủ ban hành trong tuần qua, có hiệu lực từ 1/7/2015.

Nghị định này quy định, các CTCK muốn tham gia TTCK phái sinh phải có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán theo quy định tại Luật Chứng khoán và có mức vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, 800 tỷ đồng trở lên đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh.

Đối với hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của CTCK không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán.

Vì thế, tăng vốn điều lệ đang là vấn đề tất yếu đặt ra đối với nhiều CTCK để đủ sức tham gia “sân chơi” mới. Trước đó, yêu cầu cao về nguồn lực tài chính đã được đưa ra trong dự thảo Nghị định, nên không ít CTCK lên kế hoạch tăng vốn từ đầu năm.

Sau hai lần phát hành trái phiếu thành công, CTCK VCBS dự kiến phát hành thêm 200 - 300 tỷ đồng trái phiếu trong quý III/2015. Đi kèm với kế hoạch phát hành trái phiếu, VCBS lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng trong năm 2015, không ngoài mục đích nâng cao năng lực tài chính, phát triển các nghiệp vụ và đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh.

Tại ĐHCĐ vừa qua, hàng loạt CTCK trình đại hội kế hoạch tăng vốn và hầu hết đều được cổ đông chấp thuận với tỷ lệ cao. Tại ĐHCĐ mới đây, CTCK VietinbankSC đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 789 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2015.

Trao đổi với ĐTCK, ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinbankSC cho biết, kế hoạch tăng vốn đã và đang được nhiều CTCK tính đến, chủ yếu để đáp ứng nhu cầu dịch vụ tài chính cho khách hàng, triển khai các sản phẩm mới và kế hoạch tăng vốn của VietinbankSC cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.

“Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2015, tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang cân nhắc về cách thức phát hành để đạt hiệu quả tối ưu”, ông Đức nói.

CTCK BVSC có kế hoạch tăng vốn từ 722 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cho cán bộ, công nhân viên. CTCK MSBS, CTCK SHS đang lên kế hoạch huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Đáng chú ý, một số CTCK trực thuộc ngân hàng đã tăng vốn mạnh trong thời gian qua như CTCK Techcombank tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Động thái này cho thấy, khối CTCK đang nỗ lực để tham gia TTCK phái sinh.

Ngoài ra, tăng vốn sẽ giúp các CTCK chủ động hơn trong việc cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng, nhất là khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước “siết” ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán khiến hàng loạt khoản vay ký quỹ (margin) tại các CTCK phải điều chỉnh.

Nhu cầu này còn lớn hơn đối với các CTCK trực thuộc ngân hàng, do quy định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép ngân hàng cho CTCK trực thuộc vay để cho vay đầu tư cổ phiếu.

Theo kế hoạch, TTCK phái sinh sẽ được đưa vào vận hành từ năm 2016. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn chỉnh dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP. Dự kiến, UBCK sẽ trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư hướng dẫn trong quý III/2015.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết, UBCK đã chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán triển khai xây dựng quy chế thành viên, quy chế nghiệp vụ để hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh nhằm đảm bảo có thể tập huấn cho các thành viên thị trường trước khi thị trường đi vào hoạt động.

Tin bài liên quan