Bám trụ
Khi được hỏi về việc CTCK An Phát (APG) có ý định rút nghiệp vụ môi giới hay không, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc APG cho biết, may mắn là An Phát không nợ nần và tiền mặt vẫn còn dư nên Công ty không có kế hoạch này mà chỉ tìm cách giảm chi phí hoạt động. Việc rút nghiệp vụ môi giới, giải thể Công ty chưa hẳn là phương án tốt nhất và có thể làm thiệt hại cho cổ đông, bởi chưa có hành lang pháp lý cho việc này nên có thể mất vài năm mới hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, có một số đối tác muốn tìm kiếm CTCK niêm yết để mua, nếu rút nghiệp vụ môi giới thì Công ty mất đi lợi thế để tận dụng cơ hội này, ông Hà phân tích.
Nhiều CTCK đang cố tiết giảm chi phí để có thể duy trì hoạt động, chờ thị trường hồi phục
Giải pháp An Phát lựa chọn là giảm tối đa chi phí để giảm thiểu số lỗ và tiếp tục duy trì hoạt động dựa vào số tiền lãi gửi tiết kiệm hiện có. Cụ thể, An Phát sẽ chuyển trụ sở đến địa điểm mới để giảm chi phí mặt bằng từ 200 xuống còn 50 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, nếu thị trường còn èo uột như bây giờ thì Công ty chỉ lỗ vài chục triệu đồng, đã tính chi phí khấu hao, nên thực chất, theo ông Hà, tiền không chảy ra ngoài.
CTCK SJC cũng là một trong những CTCK tuy nhỏ về quy mô vốn, nhưng vẫn đang củng cố hoạt động môi giới song song với cắt giảm chi phí hoạt động. Chứng khoán SJC tính tới giảm mặt bằng sàn giao dịch từ 450 m2 xuống 250 m2, tiết kiệm được 60% chi phí mặt bằng, ưu tiên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng giao dịch, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc CTCK SJC nói.
Giám đốc CTCK Sen Vàng, ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh cũng cho biết, Sen Vàng chưa có kế hoạch rút nghiệp vụ môi giới. Với số vốn điều lệ 135 tỷ đồng, Công ty vẫn đạt tỷ lệ an toàn tài chính trên 150% và có vài chục tỷ làm nghiệp vụ margin.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, không ít CTCK cho rằng, nếu rút nghiệp vụ môi giới thì người bị thiệt hại nhiều nhất vẫn là cổ đông nhỏ lẻ vì công ty không khác nào “chết lâm sàng”. Việc duy trì hoạt động trong khuôn khổ năng lực tài chính hiện tại sẽ giúp công ty trụ được đến khi thị trường phục hồi.
Sàng lọc và hỗ trợ
Cách đây chừng 5 năm, tại ĐHCĐ của CTCK Bản Việt, Tổng giám đốc Công ty đã làm một thống kê nhanh về tổng số vốn bỏ ra để thành lập hơn 100 CTCK. Đó là con số cao kinh ngạc nếu so với số vốn đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp khác. Điều này cho thấy, một lượng vốn đáng kể của xã hội đã chảy vào các CTCK.
Ở thời điểm này, khi mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nâng các chỉ tiêu tài chính yêu cầu để sàng lọc CTCK, tăng các quyết định xử phạt thì dư luận cũng đặt câu hỏi vì sao lại để ra đời quá nhiều CTCK như vậy? Chứng khoán Việt
Các cơ quan quản lý có thể hỗ trợ được gì cho các CTCK? Theo tìm hiểu của ĐTCK thì các CTCK phải nộp phí cố định cho hai sở khoảng hơn 400 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, phí sử dụng thiết bị đầu cuối và phí duy trì kết nối trực tuyến hai sở thu bằng nhau tương ứng là 20, 20 và 50 triệu đồng. Ngoài các phí cố định thì CTCK còn phải đóng phí các loại theo doanh thu và khối lượng giao dịch hàng tháng.
Thật khó để nói là mức phí này cao hay thấp, nhưng trong bối cảnh hầu hết CTCK đều không thể sống bằng phí môi giới với thanh khoản thị trường thấp như hiện nay thì việc thu phí sao cho hợp lý hợp tình cũng cần được 2 sở GDCK cân nhắc.
Nộp phí duy trì kết nối trực tuyến rồi, CTCK vẫn phải trả phí sử dụng thiết bị đầu cuối là 20 triệu đồng/năm để thuê 1 ghế ngồi ở trung tâm đặt lệnh tại Sở, đề phòng khi đường truyền gián đoạn thì công ty sẽ chuyển sang giao dịch thủ công như trước dù giải pháp dự phòng ít khi dùng đến.
Nhưng nhìn xa hơn, khi cơ quản lý đang tìm cách sàng lọc các CTCK thì đồng thời cần có giải pháp để những công ty đủ tiêu chuẩn còn lại có cơ hội phát triển. Làm thế nào để kéo nhà đầu tư quay lại với thị trường, làm thế nào để nâng cao chất lượng hàng hóa để thu hút nhà đầu tư trong nước và nhất là nước ngoài…? Những câu hỏi đó đòi hỏi cơ quản lý cần sớm có lời đáp để thể hiện trách nhiệm với những nhà đầu tư đã bỏ vốn vào các CTCK, nhất là những công ty đã niêm yết.