Đây là số tiền không nhỏ nếu so với giá trị giao dịch trên TTCK Việt Nam hiện nay, con số này phần nào phản ánh sức cầu của thị trường cách đây 1 tháng.
Nếu căn cứ vào thuyết minh BCTC của các CTCK, NĐT có thể bóc tách con số này thành nhiều khoản mục. Một số CTCK hạch toán chi tiết khoản mục tiền và tương đương tiền gồm: tiền mặt, tiền gửi ngân hàng (trong đó có tiền của CTCK, tiền của NĐT ký quỹ), tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán, tiền gửi bán chứng khoán bảo lãnh phát hành. Tuy nhiên, một số ít CTCK không ghi chú rõ đâu là tiền gửi của NĐT trong thuyết minh BCTC, hoặc có CTCK lại tách bạch hoàn toàn tiền của NĐT khỏi việc hạch toán sổ sách.
Các CTCK đang giữ bao nhiêu tiền?
Thống kê cho thấy, có 66/98 CTCK đang hạch toán chung tiền của NĐT vào khoản mục tiền tại BCTC của mình (con số này có thể cao hơn, do một số CTCK không ghi rõ việc họ có tách bạch tiền của NĐT hay không). Tổng số tiền gửi của NĐT thống kê được là 4.282,04 tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng khoản mục tiền tại các CTCK. Nếu tiếp tục trừ đi tổng khoản mục tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán là 411,8 tỷ đồng, tổng tiền gửi về bán chứng khoán bảo lãnh phát hành là 4,13 tỷ đồng, thì tổng số tiền có thể thuộc về các CTCK là 15.811,99 tỷ đồng.
Nếu xét theo khoản mục tiền và tương đương tiền thì SSI đang đứng vị trí số một, với hơn 2.205 tỷ đồng. Theo thuyết minh BCTC của SSI, có 734,475 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng (trong số này có 731 tỷ đồng tiền gửi của NĐT về giao dịch chứng khoán), các khoản tương đương tiền là 1.470 tỷ đồng. Vị trí số hai thuộc về HSC với 1.589,13 tỷ đồng, trong đó có 392,3 tỷ đồng là tiền gửi của NĐT, còn lại hơn 1.196 tỷ đồng là của CTCK. Vị trí số ba thuộc về VPBS, với 1.578,51 tỷ đồng, trong đó tiền gửi ngân hàng là hơn 901 tỷ đồng, các khoản tương đương tiền là 632 tỷ đồng, tiền thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán là 45,12 tỷ đồng. Tuy nhiên, VPBS không có ghi chú về tiền gửi của NĐT, nên có thể hiểu đây toàn bộ là tiền của VPBS (xem bảng số liệu).
Sau khi trừ đi các khoản không thuộc về CTCK, thống kê cho thấy, VPBS đứng vị trí số một về tiền mặt với 1.533,39 tỷ đồng (chiếm 9,7% toàn thị trường), SSI đứng thứ hai với 1.474,09 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo thuộc về KLS với 1.358,48 tỷ đồng, HSC với 1.196,8 tỷ đồng, FPTS với 819,04 tỷ đồng.
Ở nhóm cuối, GBVS chỉ còn 60,598 triệu đồng tiền và tương đương tiền, sau khi trừ đi tiền gửi thanh toán bù trừ GDCK, Công ty chỉ còn 22,353 triệu đồng tiền mặt, đứng vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng. CTCK Cao Su (vừa đổi tên thành Delta) còn 60,231 triệu đồng, CTCK Á Âu (AAS) còn 72,17 triệu đồng, CTCK Tràng An (TAS) còn 209,532 triệu đồng, CTCK Hoàng Gia (ROSE) còn 264,8 triệu đồng, VinaGlobal có 439 triệu đồng, FLCS có 784,4 triệu đồng, CTCK Phú Gia (PGSC) có 859 triệu đồng, CTCK Trí Việt có 955 triệu đồng…
Chọn mặt “gửi tiền”
Theo một số chuyên gia trong ngành, khi đọc BCTC của các CTCK hiện nay, NĐT có thể chú ý đến khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền để xem ai là người có tiềm lực mạnh nhất và không gặp phải những rủi ro về thanh khoản. Đây có thể là một dấu hiệu cho NĐT thấy, CTCK nào đang hoạt động tốt.
Nếu sắp xếp theo lượng tiền gửi ký quỹ của NĐT, có thể thấy những CTCK như SSI, VNDS, HSC, FPTS, MBS, CTS, DVSC, BVSC, AGR, MBKE… đang được NĐT tìm đến như là những địa chỉ tốt để mở tài khoản và gửi tiền.
Những con số về lượng tiền của các CTCK cũng có thể đem đến kỳ vọng lạc quan. Nếu thị trường hồi phục, lượng tiền chảy vào chứng khoán có thể được tiếp sức từ chính những tài khoản này.