CTCK “mắc” hơn 1.574 tỷ đồng nợ khó đòi

CTCK “mắc” hơn 1.574 tỷ đồng nợ khó đòi

(ĐTCK) Hơn 1.574 tỷ đồng nợ khó đòi đã được các CTCK xác định trong báo cáo tài chính quý III/2012 cho thấy, tỷ lệ “nợ xấu” trong khối công ty này đang tăng.

Trong bối cảnh nhiều NĐT sử dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin), vay tiền để “chơi” chứng khoán, không ít CTCK phải đẩy mạnh cho NĐT vay tiền để giữ chân khách hàng. Khi TTCK đi xuống, các CTCK này “ôm” khoản phải thu khó đòi lớn. Những công ty không có quản trị rủi ro tốt đang cầm chắc bị mất tiền, do NĐT “bỏ của chạy lấy người”.

 

Tổng phải thu ngắn hạn là 22.613 tỷ đồng

Thống kê từ báo cáo tài chính của 98 CTCK đang là thành viên của hai Sở giao dịch chứng khoán HOSE và HNX cho thấy, có tới 61/98 công ty đang có những khoản phải thu khó đòi và đã trích lập dự phòng. Còn lại 37 CTCK không thấy trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng giá trị phải thu ngắn hạn tính đến 30/9/2012 của 98 CTCK nói trên là 22.613,13 tỷ đồng. Trong đó, các CTCK đã trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là 1.574,33 tỷ đồng, bằng 6,96% tổng các khoản phải thu. Có thể coi “tỷ lệ nợ xấu” trong khối CTCK đang là 6,96%. Tuy nhiên, tỷ lệ này trên thực tế còn cao hơn, vì không phải CTCK nào cũng trích lập dự phòng đầy đủ. Trong số này, SBS đã trích lập dự phòng khá lớn các khoản nợ khó đòi, do Công ty đang trong quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu. Còn lại, đa số CTCK khác đều trích lập dự phòng khá ít.

Trong số 30 CTCK có trích lập dự phòng lớn nhất, tỷ lệ trích lập dự phòng khó đòi/tổng phải thu lên tới 12,7%. Tổng số trích lập dự phòng của 30 công ty này là 1.525,3 tỷ đồng, chiếm 96,89% tổng số trích lập dự phòng của 98 CTCK được thống kê (xem bảng). Tỷ lệ trích lập dự phòng càng lớn cho thấy CTCK có ý thức trong việc trích lập dự phòng, tỷ lệ này càng nhỏ hoặc bằng 0 sẽ cho thấy những rủi ro tiềm ẩn nếu công ty không thể kiểm soát được hoặc cố tình che giấu những khoản nợ khó đòi.

Nếu như diễn biến TTCK tiếp tục xấu đi, khối “ung nhọt” này có thể vỡ bất cứ lúc nào. Thực tế cho thấy, một số CTCK trong thời gian qua đã rơi vào tình trạng mất thanh khoản, buộc phải “lạm dụng” tiền của NĐT cũng vì những khoản “vỡ nợ” của một số NĐT khác.

30 CTCK có trích lập dự phòng phải thu khó đòi lớn nhất

 

TT

CTCK

 Phải thu

ngắn hạn

 Phải thu

khác

 Dự phòng

phải thu

khó đòi

Trích lập

 dự phòng/

Phải thu

ngắn hạn

1

SBS

114,09

620,04

-516,95

81,9%

2

AGR

2.493,81

988,76

-193,55

7,2%

3

VNDS

193,75

2,80

-127,32

39,7%

4

SHS

368,61

438,55

-92,50

20,1%

5

MBS

1.200,14

164,93

-91,75

7,1%

6

HPC

78,92

95,52

-48,70

38,2%

7

TAS

177,95

1,06

-43,54

19,7%

8

VICS

143,93

183,50

-43,50

23,2%

9

SHBS

127,03

-0,33

-42,64

25,1%

10

FLCS

26,25

8,36

-35,91

57,8%

11

TVSC

73,92

87,62

-34,70

31,9%

12

PHS

82,90

6,06

-31,82

27,7%

13

DVSC

111,25

0,55

-25,62

18,7%

14

HASC

4,26

11,04

-20,31

82,7%

15

VSSC

26,22

41,90

-18,86

41,8%

16

HSC

889,34

197,38

-18,48

2,0%

17

APECS

157,95

167,04

-13,46

7,9%

18

MHBS

435,82

290,23

-13,42

3,0%

19

XTSC

3,13

0,28

-12,75

80,3%

20

BVSC

250,03

34,02

-12,73

4,8%

21

ORS

143,99

145,89

-12,35

7,9%

22

VPBS

1.385,66

65,17

-11,39

0,8%

23

IRS

32,27

-

-11,00

25,4%

24

VDSC

376,00

183,92

-9,75

2,5%

25

SEAS

956,76

5,29

-8,80

0,9%

26

MBKE

262,38

0,92

-8,16

3,0%

27

LVS

35,29

27,74

-6,57

15,7%

28

CSC

0,14

0,12

-6,46

97,9%

29

VISE

559,12

283,97

-6,37

1,1%

30

SSI*

1.022,81

858,30

-5,93

0,58%

 

30 CTCK

11.690

4.886

-1.525,29

12,7%

 

Còn lại

10.922

8.128

-49,04

0,4%

 

98 CTCK

22.613

13.014

-1.574,33

6,96%

Nguồn: ĐTCK tổng hợp từ BCTC của 98 CTCK. Đơn vị: tỷ đồng  

* SSI trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi cho lãi trái phiếu, không liên quan đến hoạt động margin 

Phải thu khác lớn bất thường

Các khoản phải thu ngắn hạn của khối CTCK bao gồm: phải thu của khác hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ ngắn hạn, phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán và các khoản phải thu khác. Trong số này, đa phần khoản mục “phải thu khác” chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng các khoản phải thu ngắn hạn, cũng giống như “doanh thu khác” chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của CTCK.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia tài chính cho biết, đây là khoản mục mà các CTCK sử dụng để hạch toán những khoản tiền cho NĐT vay mượn để mua bán chứng khoán (margin, ứng trước, chậm thanh toán…). Do không có hướng dẫn hạch toán chi tiết cho CTCK, nên tất cả đều được gộp chung vào khoản mục này. Tuy nhiên, một số ít CTCK hạch toán những khoản cho vay này vào khoản mục phải thu của khách hàng.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng các khoản phải thu khác của 98 CTCK là 13.014,98 tỷ đồng, chiếm tới 53,42% tổng các khoản phải thu. Cá biệt, ở một số CTCK, con số này lên tới 80 - 100%.

Việc hạch toán chung vào một khoản mục mà không có giải trình rõ ràng khiến NĐT cảm thấy mơ hồ về hoạt động của các CTCK này, cơ quan quản lý cũng khó có thể kiểm soát được các con số thực tế về hoạt động “tín dụng” của CTCK.