Mâu thuẫn nội bộ cổ đông Kenanga
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) diễn ra ngày 21/2/2014, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng đã nêu lên câu chuyện khó xử của người đứng đầu, khi phải đứng ra làm nhiệm vụ tiếp nhận và phân xử giữa 2 nhóm cổ đông trong và ngoài nước tại CTCP Chứng khoán Kenanga Việt Nam.
“Phía cổ đông nước ngoài thì cho rằng, UBCK bênh cổ đông trong nước, còn phía cổ đông trong nước lại cho rằng, UBCK ưu ái NĐT ngoại”, ông Bằng nói.
Chia sẻ của ông Bằng nhắc lại tình trạng “cơm chẳng lành, canh không ngọt” trong nội bộ Kenanga mà thị trường đã biết từ lâu. Đó là sự bất đồng quan điểm và những kiện tụng phát sinh liên tục giữa 2 nhóm NĐT trong nước và nước ngoài tại CTCK này.
Lần dở lại một chút thông tin về tình trạng hoạt động của Kenanga, ấn tượng chung mà thị trường ghi nhận là sự xuống cấp, bất ổn về quản trị, các mối quan hệ trong nội bộ Ban lãnh đạo có vấn đề, bắt đầu từ tình trạng “rút ruột” Công ty của nguyên một số lãnh đạo Kenanga, những người được nhóm cổ đông trong nước cho là “được sự hậu thuẫn của cổ đông ngoại”.
Đến thời điểm hiện nay, một nguồn tin từ cơ quan quản lý cho hay, tình trạng mâu thuẫn nội bộ tại Kenanga vẫn chưa được cải thiện. Thứ mà NĐT thấy rõ về hiện trạng Kenanga lúc này là kinh doanh thua lỗ, bị cảnh cáo, dừng tư cách thành viên các Sở GDCK và đình trệ mọi hoạt động.
Thiếu lối ra cho cổ đông nội tại MSGS
Ngày 13/2/2008, CTCP Chứng khoán Hướng Việt (MSGS) thực hiện tăng vốn từ 20 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, và đổi tên thành CTCP Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt. Động thái này diễn ra sau khi TTCK Việt Nam vừa trải qua giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ (năm 2007) và vẫn còn ở thời kỳ hưng phấn. Thị trường đã kỳ vọng, sự tham gia tới gần 49% vốn điều lệ của Morgan Stanley sẽ giúp CTCK này có cuộc lột xác ngoạn mục, mà bước đầu chính là cạnh tranh cung cấp dịch vụ chứng khoán, tài chính cho khối ngoại để tiến ra thị trường khu vực và thế giới.
Thế nhưng, 6 năm nhìn lại, hoạt động nổi bật của MSGS trong suốt thời gian qua là… gửi tiết kiệm ngân hàng và gọi điện cho các khách hàng cá nhân… đề nghị đóng tài khoản. Trên facebook của một số nhân viên tại MSGS, người ta bắt gặp những hình ảnh hết sức… “dân dã” đến mức khó ngờ của một CTCK, là nhân viên ngồi… ăn lẩu cạnh bảng điện tử, làm bánh trôi bánh chay hay các cuộc vui khác!
Trao đổi với ĐTCK, một nguồn tin giấu tên cho biết, phía cổ đông trong nước muốn có định hướng phát Công ty triển rõ ràng, nhưng khối ngoại lại… chọn cách “đứng im”. Khoản tiền gần 150 tỷ đồng vốn điều lệ đang sở hữu tại MSGS của Morgan Stanley không lớn với tổ chức này và trước sự “đứng im” của Công ty, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng TTCK Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để Morgan Stanley tập trung phát triển tại Việt Nam?
Thế nhưng, khoản vốn góp 150 tỷ đồng đối với các cổ đông trong nước lại không hề nhỏ. Điều buồn nhất với các cổ đông nội là, họ không tự chủ được với số tiền mình đã góp ở trên.
Muốn kinh doanh - cổ đông ngoại phủ quyết. Muốn thoái vốn - cổ đông ngoại không sẵn sàng mua, trong khi cổ đông lại không được bán cho đối tác khác.
Và vì thế, dù không đến nỗi mâu thuẫn như tại Kenanga, nhưng với các cổ đông nội tại MSGS, “kết hôn” với đối tác ngoại đến giờ phút này vẫn có vẻ như không phải là quyết định đúng đắn.
Và những cuộc kết hôn ngoại không như ý khác
Sự kết hợp giữa cổ đông trong nước và đối tác có uy tín nước ngoài với kỳ vọng sẽ tận dụng được am hiểu địa phương của đối tác nội, khối nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, kinh nghiệm quản lý và năng lực tài chính tưởng chừng là một công thức hợp lý giúp CTCK bật lên. Thế nhưng, đến thời điểm hiện nay, điểm lại tình trạng hoạt động của các CTCK có cổ đông chiến lược nước ngoài, dường như chỉ có Maybank Kimeng Việt Nam, HSC, PSI… là có lợi ích từ cổ đông ngoại. Các công ty có vốn ngoại khác như Woori CBV, Golden Bridge, Tràng An... đều trong tình trạng không mấy tích cực.
Tình trạng thiếu sự quan tâm đủ lớn của đối tác ngoại trong bối cảnh TTCK suy thoái, cổ đông là tranh chấp quyền lực đã khiến nhiều CTCK rơi vào tình trạng có chủ cũng như không, hoạt động èo uột và gần như không có tên tuổi trên bản đồ cạnh tranh các CTCK lớn. Có lẽ đây là lý do vì sao, trong các thương vụ gần đây, đối tác ngoại có xu hướng tăng quyền kiểm soát được toàn bộ công ty mục tiêu, thay vì chỉ làm cổ đông lớn.