Trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và kinh tế trong nước gặp khó khăn, nhiều CTCK thua lỗ do mô hình hoạt động và quản trị rủi ro có nhiều hạn chế. Năm 2009, thị trường phục hồi, hoạt động của các CTCK khả quan hơn.
Tuy nhiên, UBCK nhận thấy các vấn đề về an toàn tài chính, chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro, đạo đức người hành nghề, mô hình hoạt động... là những điểm mấu chốt cho sự phát triển bền vững của các CTCK. Do đó, UBCK đã trình Bộ Tài chính ban hành quy định về an toàn tài chính đối với các CTCK theo tiêu chuẩn Basel II vào năm 2010; xây dựng Đề án cơ cấu lại các CTCK trong năm 2012; ban hành quy định về áp dụng quản trị rủi ro đối với các CTCK; cải thiện chất lượng quản trị công ty; áp dụng các tiêu chí cảnh báo sớm theo tiêu chuẩn quốc tế CAMEL để tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn tài sản khách hàng; ban hành chế độ kế toán mới đối với CTCK, từng bước tiếp cận theo giá trị hợp lý nhằm phản ánh sát hơn tình hình hoạt động của các CTCK; thúc đẩy hợp nhất, sáp nhập các CTCK...
Trên thực tế, việc triển khai tái cấu trúc các CTCK gặp nhiều khó khăn do thuần túy dựa theo nguyên tắc thị trường và quy định luật pháp, không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, quá trình triển khai đã bảo đảm các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trên tinh thần thượng tôn luật pháp, bảo vệ được lợi ích của NĐT và bảo đảm thị trường vận hành trơn tru, không gây xáo trộn.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan và hợp tác của các thành viên thị trường, cùng với những nỗ lực của cơ quan quản lý, đến nay đã giảm được 23% số lượng CTCK, xuống còn 81 công ty, qua đó thúc đẩy khối CTCK ngày càng lớn mạnh về chất lượng hoạt động.
Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh như: so với năm 2011 (trước khi triển khai Đề án tái cấu trúc các CTCK được Bộ Tài chính phê duyệt năm 2012), tại thời điểm giữa năm 2015, vốn chủ sở hữu tăng 12%, tổng tài sản tăng 10%, doanh thu tăng 34%, lợi nhuận tăng 33%...
Hiện có không ít CTCK đạt vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có công ty đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng hàng trăm lần so với thời gian đầu hoạt động. Hệ thống công nghệ thông tin, năng lực quản trị công ty, mô hình hoạt động được cải thiện... Qua đó, các CTCK đã từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, khó tính của NĐT trong và ngoài nước.
Trong giai đoạn tới, trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán, áp lực cạnh tranh sẽ mạnh mẽ hơn, nên các CTCK cần tiếp tục nâng cao về chất, đặc biệt là tính chuyên nghiệp, tính tuân thủ và năng lực tài chính.