CPP mua lại CP Việt Nam: Doanh nghiệp nội hoang mang

CPP mua lại CP Việt Nam: Doanh nghiệp nội hoang mang

CP Việt Nam đang chi phối thị trường nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nên thông tin doanh nghiệp này bị Công ty C.P Pokphand (CPP) mua lại làm xôn xao cả ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Việc thay đổi cổ đông tại CP sẽ tác động tới những doanh nghiệp khác bở Công ty hiện nắm giữ phần lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Gần đây, nhiều nguồn tin cho rằng, CPP (có trụ sở chính đóng tại Hồng Kông) đã hoàn tất thương vụ mua 70,82% cổ phần của CP Việt Nam với trị giá 609 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng), giữ quyền chi phối CP Việt Nam.

 

Thông tin này đang khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi hết sức lo ngại.

 

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan cho biết, mặc dù Vissan là doanh nghiệp thiên về thương mại, song cũng không khỏi lo lắng về những thông tin liên quan đến thương vụ của CPP và CP Việt Nam, khi phần lớn nguyên liệu ngành nông sản phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi do CP Việt Nam nắm giữ.

 

“Hạ tầng chăn nuôi của Việt Nam hiện rất yếu. Đặc biệt, thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc đang thuộc quyền chi phối của các công ty nước ngoài, trong đó có CP Việt Nam ”, ông Mười nói.

 

Điều này được hiểu rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang lo lắng về những thay đổi trong chính sách hoạt động của CP Việt Nam do có nhà đầu tư mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của họ.

 

Tuy nhiên, theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư có được, thương vụ này vẫn chưa hoàn tất, các bên vẫn tiếp tục thương thảo.

 

Cụ thể, theo nguồn tin từ CP Việt Nam , CPP đang muốn mua lại Modern State , một công ty con của Tập đoàn Charoen Pokphand (CP Group, có trụ sở chính tại Thái Lan), đang nắm giữ 70,82% cổ phần của CP Việt Nam . “Thực chất việc mua lại cổ phần này là hoạt động chuyển vốn trong nội bộ trong Tập đoàn CP, chứ không phải có một pháp nhân khác tham gia vào. Mọi việc vẫn đang trong quá trình thương lượng và chưa có kết quả”, đại diện CP Việt Nam nói.

 

Điều này có nghĩa là, cho dù thương vụ diễn ra đúng như các thông tin đang bàn tán trên thị trường, hoạt động của CP Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều, nhất là không có chuyện CPP mua lại thức ăn gia súc rồi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, làm ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc ở Việt Nam như nhiều doanh nghiệp lo ngại. “Dù CPP có mua được trên 70,82% cổ phần của CP Việt Nam, trở thành cổ đông của CP Việt Nam, CPP sẽ chỉ tham gia một lĩnh vực nào đó trong rất nhiều lĩnh vực của CP Việt Nam”, nguồn tin từ CP Việt Nam cho biết.

 

Tập đoàn CP, ngoài trụ sở chính tại Thái Lan, hiện đang có hoạt động ở Indonesia , Việt Nam , Hồng Kông. Thậm chí, cũng có thông tin cho rằng, thương vụ này có thể nhằm tới mục đích giúp Công ty CP tại Hồng Kông “đánh bóng” tên tuổi trong lúc chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán tại Hồng Kông.

 

Mặc dù vậy, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi thừa nhận rằng, một khi nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu, bị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ngoài chi phối, thì bất cứ một biến động nào, dù nhỏ, của các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này cũng đủ để làm xáo trộn cả ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thực phẩm. “Tôi sẽ hỏi lại thông tin từ Tổng giám đốc CP Việt Nam về vấn đề này, nhưng theo tôi, các doanh nghiệp lo ngại vì chưa biết được kế hoạch cụ thể của nhà đầu tư mới”, ông Lịch nói.

 

Nội tình thương vụ mua bán giữa CPP và CP Việt Nam như thế nào sẽ có hồi kết, song rõ ràng, những xôn xao và lo lắng của các doanh nghiệp nội trong ngành thức ăn chăn nuôi bộc lộ rõ điểm yếu về năng lực cạnh tranh, điểm yếu về tính chủ động trong vùng nguyên liệu của cả ngành.