Về cung, tốc độ tăng tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến tuy có chậm lại, nhưng vẫn cao gấp rưỡi tốc độ tăng của sản xuất. Đối với thị trường bất động sản, tồn kho giảm không bao nhiêu, có phân khúc còn tăng lên. Trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu tăng 17%, cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (12,3%).
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, bộ phận chiếm tỷ trọng cao nhất trong nguồn vốn đầu tư từ kinh tế nhà nước, có tiến độ thực hiện còn chậm so với kế hoạch cả năm và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (tăng 2,8%, nếu loại trừ yếu tố giá thì còn bị giảm).
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ, tuy tăng khá hơn nhưng vẫn còn thấp, chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của thời kỳ 2006-2010 (tăng 7,6% so với tăng 15%), chủ yếu do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư còn thấp, người dân vẫn tiếp tục thắt lưng buộc bụng.
Nhóm yếu tố quan trọng khác tác động đến tốc độ tăng thấp của CPI là tiền tệ - tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm 2013 dồn vào cuối năm (2 tháng cuối năm tăng 5,04%, bằng 40,3% tốc độ tăng của cả năm), nhưng tính chung cả năm tốc độ tăng tiền gửi cao gấp rưỡi tốc độ tăng tín dụng. Trong tháng 1/2014, tín dụng lại giảm, chứng tỏ tiền từ ngân hàng ra lưu thông chậm hơn từ lưu thông vào ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng tiền từ lưu thông về thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO)- chỉ trong 2 ngày 11 và 12/2 đã lên đến trên 14.600 tỷ đồng. Một lượng tiền không nhỏ của các ngân hàng thương mại đã phải tìm đến trái phiếu Chính phủ cho dù mức lãi suất thấp xa lãi suất cho vay và cao hơn không bao nhiêu lãi suất huy động.
Một nhóm yếu tố khác không thể không đề cập, đó là yếu tố chi phí đẩy. Giá hàng nhập khẩu tính bằng USD năm 2012 giảm 0,37%, năm 2013 giảm 2,36%, 2 tháng năm 2014 cũng giảm nhẹ. Giá hàng nhập khẩu tính bằng VND cũng không tăng, khi tỷ giá VND/USD tăng thấp (năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,66%, tháng 1/2014 giảm 0,06%). Lãi suất vay ngân hàng đã giảm xuống.
Với tình hình hiện tại, nếu không có những tác động đột xuất lớn, CPI năm 2014 sẽ đạt được mục tiêu (khoảng 7%)- tức là sẽ tăng thấp năm thứ ba liên tiếp. Thậm chí, mức tăng có thể thấp hơn cả 2 năm trước
Nhịp độ tăng CPI có thể sẽ lặp lại trong 2 năm trước. Tức là CPI tăng rất thấp, hoặc xen kẽ những tháng giảm và gần như thiểu phát từ tháng 3 đến tháng 7 (CPI từ tháng 3 đến tháng 7/2012 giảm 0,16%, từ tháng 3 đến tháng 7/2013 chỉ tăng chưa đến 0,1%). Đã đến lúc, tư duy kiềm chế lạm phát phải chuyển sang tư duy kiểm soát lạm phát.