PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)
Song theo nhận định của chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), CPI năm nay chỉ tăng 3,3 - 3,7%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng khoảng 4,5% mà Quốc hội đặt ra.
Ngay tháng đầu năm, CPI đã tăng tới 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng cao như tháng 1 vừa qua, thì năm nay, liệu CPI có cao hơn con số 4,5% không, thưa ông?
Tháng 1/2023, CPI tăng tới 4,89% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,52% so với tháng trước, đúng là cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (ngoại trừ năm 2020), nhưng hoàn toàn không lo ngại.
Bởi năm nay, Tết Nguyên đán rơi trọn vẹn vào tháng 1 - tháng cầu tiêu dùng tăng đột biến và theo quy luật, trong tháng Tết Nguyên đán bao giờ mặt bằng giá cả cũng tăng cao nhất so với các tháng còn lại trong năm.
Điều đặc biệt nữa là sau 3 năm liên tiếp trong dịp Tết cổ truyền, người dân bị hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19, Tết Quý Mão năm nay, mọi hoạt động vui xuân - đón Tết đã trở lại trạng thái bình thường, nên nhu cầu mua sắm, đi lại của người dân tăng rất mạnh so với thông thường.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ riêng tháng Tết Quý Mão, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 544.800 tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng 12/2022 và tăng tới 20% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu tăng đột biến, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cũng là lẽ đương nhiên.
Như vậy, mức tăng CPI tháng 1/2023 không phải là điều quá lo lắng, thưa ông? Theo ông, năm nay, CPI tăng khoảng bao nhiêu?
Tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ, các cấp, các ngành không chuẩn bị chu đáo thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thì CPI tháng 1/2023 còn tăng cao hơn nữa. Bởi trong mức tăng 0,52% so với tháng trước Tết, riêng nhóm hàng thực phẩm đã đóng góp 0,2 điểm phần trăm, đi lại (giao thông) đóng góp 0,13 điểm phần trăm.
Đúng ra, kể từ ngày 1/1/2023, thuế bảo vệ môi trường sẽ trở về bình thường vì thời hạn giảm phí đã hết. Nhưng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và góp phần kiểm soát lạm phát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15. Theo đó, chỉ áp dụng thuế 2.000 đồng đối với mỗi lít xăng và 1.000 đồng đối với mỗi lít dầu, tức là chỉ bằng một nửa so với quy định.
Nhờ đó, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 1/2023 tăng 1,39% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm. Nếu tăng đúng theo quy định, tức là không tiếp tục giảm 50%, thì chỉ số giá nhóm giao thông và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn tăng cao hơn nữa, khó mà giữ được CPI chỉ tăng ở mức 0,52% so với tháng trước.
Hơn nữa, tháng 1/2022, CPI rất thấp (tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,94% so với cùng năm trước), đứng trên mẫu số thấp để tính toán, thì CPI tháng 1 năm nay cao cũng là bình thường, không có gì lo lắng.
Theo tôi, CPI năm 2023 chỉ tăng khoảng 3,3 - 3,7%, tức là thấp hơn rất nhiều mức tăng khoảng 4,5% theo yêu cầu của Quốc hội.
Cơ sở nào để ông đưa ra mức dự báo này?
Năm 2023, có nhiều yếu tố giúp kiểm soát lạm phát.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã thích ứng với tình hình mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ, mặc dù trong quý IV/2022, một số doanh nghiệp bị thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu phải co hẹp sản xuất, nhưng tình hình đã sáng trở lại, hàng loạt doanh nghiệp đang thu hút lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sản xuất, kinh doanh tăng, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ dồi dào khiến lạm phát khó có thể tăng mạnh.
Thứ hai, sau thời gian tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại đã rời khỏi cuộc đua tăng lãi suất. Lãi suất giảm, giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, thì sẽ giảm được giá bán sản phẩm.
Thứ ba, Bộ Tài chính đã quyết định tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí năm 2023 áp dụng như năm 2022, góp phần rất lớn làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Thứ tư, trong Nghị quyết số 01/2023/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Khi hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thêm kênh huy động vốn mới, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giảm áp lực tăng lãi suất ngân hàng.
Và cuối cùng, như tôi đã nói, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ làm giảm giá bán lẻ xăng dầu cũng có đóng góp không nhỏ trong kiểm soát lạm phát.
Theo ông, những yếu tố khách quan sẽ tác động thế nào tới tình hình lạm phát của nước ta, thưa ông?
Rất mừng là tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế hàng đầu thế giới cũng là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam trong quý IV/2022 không quá ảm đạm như dự báo trước đó. Khi các cường quốc kinh tế, đặc biệt là Mỹ và EU phục hồi, Việt Nam không chỉ tăng được xuất khẩu, mà còn gia tăng thặng dư thương mại, có đủ nguồn ngoại tệ để kiểm soát tỷ giá, giảm áp lực lên lạm phát.
Những ngày gần đây, đồng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã phát tín hiệu giảm đà tăng và đi đến chấm dứt tăng lãi suất để hỗ trợ sản xuất vì lạm phát tại các nền kinh tế này đang giảm dần. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.
Nếu trước đây, cuộc xung đột tại Ukraine là ẩn số với giới bình luận, phân tích chính trị, quân sự, thì bây giờ đã khá rõ nét. “Cuộc chiến” này sẽ còn kéo dài, dai dẳng, giằng co qua lại giữa các bên. Khi đã nhìn rõ kết cục của cuộc chiến, các nước bị ảnh hưởng đã và đang tìm cách hạn chế tối thiểu thiệt hại về kinh tế như kiểm soát giá xăng dầu, năng lượng, nguyên liệu; khắc phục đứt đoạn chuỗi logistics, vận chuyển truyền thống... góp phần không nhỏ chặn đà tăng và giảm dần cho phí vận chuyển.
Việt Nam là nền kinh tế phải nhập khẩu hơn 40% nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, khi giảm được chi phí trung gian sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được giá thành sản xuất.