Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đây là hiện tượng khá bất thường, bởi lần đầu tiên CPI giảm liên tiếp trong vòng 4 tháng (từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015), mà đó lại là những tháng cao điểm, mùa lễ tết, vốn là những dịp giá cả thường tăng mạnh.
Theo phân tích của ông Long, nguyên nhân cơ bản của xu hướng giảm CPI các tháng gần đây cũng như của tháng 2 năm nay vẫn là do giá xăng dầu giảm, kéo theo chi phí vận tải giảm mạnh, khiến giá hàng hóa giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai đáng quan ngại hơn là do sản xuất trì trệ, bởi kinh tế vẫn khó khăn, phần lớn người lao động có thu nhập thấp phải “thắt lưng buộc bụng”, không dám chi tiêu. Bên cạnh đó, còn do nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, việc chỉ số CPI trong tháng Tết giảm là điều không bình thường, tuy nhiên chưa đến mức đáng lo ngại.
“Đây là điều cần hết sức quan tâm, bởi không chỉ liên tục trong 4 tháng mà đặc biệt là CPI trong tháng Tết vẫn giảm. Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến CPI, nhưng chưa đến mức quá phải lo ngại về xu hướng này, bởi cũng như hầu hết các tháng trước, CPI giảm chủ yếu vẫn là do đóng góp của giá xăng dầu giảm, dẫn đến giảm chi phí đầu vào của hàng hóa. Mặt khác, việc chỉ số CPI giảm 0,05% là một mức khá nhỏ. Thực tế, giảm 0,05% hay tăng 0,05% thì cũng chỉ một khoảng cách rất nhỏ, nằm trong mức sai số cho phép, tùy theo lượng mẫu lựa chọn và sự tính toán của cơ quan thống kê”, ông Doanh phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, có một khía cạnh khác đáng quan ngại. Đó là việc CPI tháng Tết giảm thể hiện sức cầu có khả năng thanh toán trên thị trường rất hạn chế và phản ánh một xu thế méo mó trong phân phối lợi nhuận của xã hội đang ngày càng gia tăng.
“Dịp Tết này, nhiều người kinh doanh bị ế ẩm hơn so với những năm trước do hàng hóa bán được ít hơn. Điển hình như việc là có nhiều người kinh doanh hoa Tết và cây cảnh khóc dở mếu dở vì không bán được hàng, đành phải chặt cây để đỡ chi phí mang về. Bên cạnh đó, chỉ số giá cả tháng Tết này cũng đã phản ánh sự phân biệt giàu nghèo đang tăng lên. Mặc dù nhiều nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu liên tục giảm hoặc chững lại thì một số loại hàng xa xỉ như ô tô sang, căn hộ cao cấp trước Tết vẫn bán được khá nhiều, bởi có một bộ phận nhỏ người giàu lên nhanh chóng. Điều đó cho thấy nền kinh tế Việt Nam có dấu hiệu méo mó trong phân bổ lợi nhuận và thu nhập. Đây là điều đáng lo ngại mà chúng ta cần hết sức quan tâm”, ông Doanh cảnh báo.
Nhận định về xu thế CPI, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, năm nay, lạm phát sẽ tăng rất thấp. Ông Tuyến cho hay, dự báo đưa ra từ cuối tháng 12/2014 của viện này là chỉ số lạm phát 2015 dự kiến vào khoảng 2-3%, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 5% của Chính phủ và mức 4% của 4 bộ đưa ra tại cuộc họp Tổ điều hành 4 bộ hồi cuối tháng 12/2014. Lý do đưa ra mức dự báo này, theo ông Tuyến, là do các căn cứ để đẩy giá trong năm 2015 gần như chưa có.
“Tháng 1, 2, hai tháng quan trọng trong năm CPI đều giảm, từ tháng 3 đến tháng 9 dự báo chỉ số CPI sẽ đi ngang. Dù có thêm yếu tố tăng giá điện trong các tháng tới thì tác động cũng không quá nhiều, nên tôi cho rằng, CPI khó có thể vượt quá 2-3%”, ông Tuyến phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo nhận định của ông Tuyến, năm 2015, kinh tế thế giới tuy có tín hiệu hồi phục song vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Xu hướng giá dầu giảm được dự báo có thể kéo dài. Trong khi đó, đối với kinh tế trong nước, tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong khi Chính phủ dự kiến sẽ vẫn duy trì chính sách tài khóa thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Đây cũng là cơ sở để nhận định CPI khó có thể tăng cao trong năm nay.