Cụ thể, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua giảm chủ yếu do tác động của việc giảm giá dầu thế giới, nhất là đối với chỉ số giá nhóm giao thông; Nguồn cung hàng hóa dồi dào; Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bình ổn giá, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá; Chương trình kích cầu, khuyến mãi cuối năm đối với hàng tiêu dùng, điện máy, điện tử được thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương; Lãi suất huy động và cho vay có xu hướng giảm...
Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng giảm nhưng sức mua của nền kinh tế tiếp tục tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm ước tăng 11,4%, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 10,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (6,2%). Các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm tăng 12% (cùng kỳ tăng 5,4%).
Báo cáo của Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sản xuất công nghiệp từ đầu năm nhìn chung ổn định và có dấu hiệu tích cực với cầu trong nước có xu hướng tăng lên. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Hai ước tính tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, giảm 19,2% so với tháng trước do tháng Hai năm nay có nhiều ngày nghỉ Tết Nguyên Đán.
Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 5,4% của cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành khai khoáng tăng 9%, đóng góp 1,9% vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 12,9%, đóng góp 9,1 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 13,3%, đóng góp 0,9%; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,5%, đóng góp 0,1%.
Trong 2 tháng đầu năm, cả nước có 13.766 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% về số doanh nghiệp và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành, lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2014: Nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 241,0%; kinh doanh bất động sản tăng 88,8%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 57,9%; tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng 55,4%; xây dựng tăng 50,3%; giáo dục đào tạo tăng 48,9%; vận tải kho bãi tăng 46,3%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 40,3%; thông tin truyền thông tăng 29,3%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 26,7%. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng là 197,2 nghìn người, tăng 19,0% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Hai ước tính đạt 9117 tỷ đồng, bao gồm: Vốn trung ương 1788 tỷ đồng; vốn địa phương 7329 tỷ đồng. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 21.962 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch năm và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2014, gồm có:
Vốn trung ương quản lý đạt 4351 tỷ đồng, bằng 10,7% kế hoạch năm và tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải là 723 tỷ đồng; Bộ Y tế 171 tỷ đồng; Bộ Xây dựng 152 tỷ đồng; Bộ Tài nguyên và Môi trường 83 tỷ đồng; Bộ Giáo dục và Đào tạo 69 tỷ đồng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 59 tỷ đồng...
Vốn địa phương quản lý đạt 17.611 tỷ đồng, bằng 11% kế hoạch năm và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/02/2015 thu hút 148 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 712,3 triệu USD, tăng 21,3% về số dự án và giảm 14,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời có 58 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 480,5 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 1.192,8 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1.200 triệu USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.