Lý do cơ bản tác động làm giảm CPI tháng 11 là giá xăng, dầu trong nước giảm, giá gas giảm. Theo sau giảm giá xăng dầu là giá dịch vụ vận tải sẽ giảm (các DN ngành này vừa ký cam kết giảm giá), giúp các DN giảm một phần chi phí. Thời gian qua do chính sách kiểm soát tải trọng đường bộ chặt chẽ, nên chi phí vận tải của nhiều DN tăng lên đáng kể, gấp 2 đến 3 lần so với trước. Giá xăng dầu giảm sẽ giúp “hạ nhiệt” phần chi phí vận tải đã tăng nóng giai đoạn vừa qua.
CPI giảm cũng phản ánh phần nào sức mua của người dân chưa được cải thiện hay nói cách khác là không tăng. Trong điều kiện thu nhập của người dân ổn định, giá cả các loại hàng hóa giảm sẽ giúp kích thích tiêu dùng, giống như việc giảm giá trên thị trường căn hộ giúp thanh khoản nhiều loại bất động sản sôi động hơn.
Thực tế, CPI giảm do giảm giá các nguyên vật liệu đầu vào cơ bản giảm cho thấy chi phí của doanh nghiệp có cơ hội giảm. Những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh tiếp tục tăng trưởng tốt trong điều kiện hiện nay như đã tăng trưởng trong suốt 1 năm trước trong điều kiện nền kinh tế còn vô cùng khó khăn.
Trên TTCK, thông tin CPI giảm, giá xăng giảm, lãi suất giảm sở dĩ chưa được nhà đầu tư phản ánh vào giá cổ phiếu, do thị trường vẫn đang bị bao trùm bởi nỗi lo về ảnh hưởng của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đến dòng tiền margin. Tuy nhiên, sự ổn định của nền kinh tế và sức khỏe đang ngày một cải thiện của DN niêm yết (9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận các DN niêm yết tăng trên 10% so với cùng kỳ) là nguyên nhân giúp thị trường trụ vững trước áp lực các ngân hàng phải thực thi Thông tư 36 từ 1/2/2015.
Sau những nỗi lo về Thông tư 36, chứng khoán đã xanh trở lại trong phiên giao dịch cuối ngày 25/11. Trong khi NHNN muốn quản chặt dòng tín dụng chảy vào TTCK thì thực tế, có một lực lượng khác là các CTCK lớn không có ngân hàng chống lưng đều tuyên bố đã chuẩn bị một lượng tiền lớn để đáp ứng nhu cầu margin của khách hàng. Khi các CTCK lớn chủ động được nguồn tiền này và cung cấp margin theo quy chuẩn pháp luật, không có lý do gì TTCK bị ảnh hưởng quá lớn bởi Thông tư 36 nói trên.
Vấn đề đáng lo chính là ở các CTCK nhỏ khi đối tượng này không chủ động được nguồn vốn và phụ thuộc nhiều vào dòng tín dụng ngân hàng. Khi ngân hàng giảm dần dòng tín dụng, các CTCK nhỏ sẽ phải làm thế nào để giữ khách? Theo thống kê, 10 CTCK lớn nhất hiện nắm trên 60% thị phần môi giới chứng khoán. Một số công ty chứng khoán lớn như HSC hay SSI, ngoài tích lũy được lượng vốn chủ sở hữu không nhỏ, đã có kế hoạch phát hành trái phiếu hay thông qua chủ trương vay vốn ngân hàng tới cả nghìn tỷ đồng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Khi các CTCK lớn vững bước, TTCK chắc chắn sẽ không có nhiều xáo trộn và sẽ tăng trưởng theo thực lực sức khỏe của các DN niêm yết. Với các CTCK nhỏ, thương trường buộc họ phải chấp nhận quy luật cạnh tranh đào thải khắc nghiệt hơn, nhất là khi các quy định pháp lý như Thông tư 36 ra đời nhằm hướng thị trường tiền tệ, TTCK đến mục tiêu hoạt động minh bạch, lành mạnh.