CP Việt Nam có thể bị tước quyền kinh doanh

CP Việt Nam có thể bị tước quyền kinh doanh

CP Việt Nam bị điều tra về thị phần nắm giữ là 16% hay 30%; nếu thị phần 30% và áp đặt giá có thể bị tước quyền kinh doanh.

Phát biểu tại cuộc họp giữa các sở ban ngành và doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ở mặt hàng trứng gia cầm của TPHCM diễn ra hôm nay, 18/1, bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, bà vừa nhận được thông tin rằng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ ra quyết định điều tra Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Công ty CP) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Emivest Việt Nam (Emivest) nhằm xác định thị phần của hai doanh nghiệp này trên thị trường để có các bước xử lý tiếp theo.

 

Theo bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, việc điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh sẽ giúp làm rõ thị phần của Công ty CP trên thị trường là bao nhiêu, 16% như khẳng định của CP với báo chí mới đây hay là 30% như các cơ quan Nhà nước thường nói. Xác định được thị phần thì mới có thể xác định được CP có vi phạm Luật Canh tranh hay không cũng như có biện pháp xử lý. “Nếu vi phạm Luật cạnh tranh, tức chiếm thị phần trên 30% nhưng áp đặt giá, thì hình phạt nặng nhất là tước quyền kinh doanh”, bà Lan nói.

 

Cũng theo bà Lan, trong tuần sau, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra doanh thu, chi phí trong thời gian tăng giá đột biến vừa qua của hai công ty trên để tính nghĩa vụ tài chính của các công ty này với Nhà nước Việt Nam . Đơn vị trực tiếp thực hiện là cơ quan thuế của các địa phương mà hai công ty trên đặt nhà máy.

 

Trước đó, trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí vào ngày 17/1, Công ty CP khẳng định, thị phần trứng gà của công ty này hiện chỉ là 16% trong cả nước. Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước lâu nay thì cho rằng, CP chiếm thị phần trên 30%.

 

Về tình hình thị trường trứng gia cầm, cơ quan chức năng của TP. HCM khẳng định đã ổn định trở lại và giá bán cũng trở về với mặt bằng trước thời điểm tăng giá đột biến (4/1) vừa qua. Do vậy, các cơ quan chức năng sẽ không thực hiện các biện pháp cấp bách.

 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để kịp thời xử lý, không để tình trạng tương tự tái diễn ở mặt hàng trứng cũng như xảy ra ở các mặt hàng khác.

 

Theo bà Đào, với các mặt hàng như thịt gia cầm và thịt gia súc, các doanh nghiệp bình ổn đã chuẩn bị một lượng hàng lớn, đủ sức cung ứng cho thị trường nếu có biến cố xảy ra. Cụ thể, lượng heo trong kho của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), đơn vị chính tham gia bình ổn thị trường ở mặt hàng thịt gia súc, là trên 2.000 tấn để dự phòng. Các nguồn đặt hàng để cung ứng cho thị trường thành phố cũng đã chắc chắn. Bên cạnh đó, trước Tết Nguyên đán 2 ngày, mặt hàng thịt heo tươi sống cũng sẽ được công ty này giảm 5.000 đồng/kg.

 

Trong khi đó, mặt hàng gà thả vườn sẽ được giữ giá từ nay đến tết và trước tết 1 tuần, sau tết 15 ngày giảm giá 2.000 đồng/kg. Lượng hàng của doanh nghiệp đảm bảo cung ứng cung cầu. Còn về lâu về dài, TPHCM cũng đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn cung.