Một buổi livestream giới thiệu dự án tại Long An. Ảnh: Trọng Tín

Một buổi livestream giới thiệu dự án tại Long An. Ảnh: Trọng Tín

Covid "mở" chợ địa ốc online

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vốn là lĩnh vực có đặc thù sản phẩm giá trị cao, nhưng bối cảnh mới khiến nhiều dự án vẫn được các chủ đầu tư, sàn môi giới tổ chức bán trực tuyến. Câu hỏi đặt ra là công nghệ giải quyết được những bài toán gì của ngành marketing bất động sản và thị trường đã sẵn sàng cho những mô hình mới như nền tảng giao dịch bất động sản hoàn toàn online?

“Chập chững” bán nhà online

Nguyễn Hải - phụ trách một team môi giới ở khu Tây Hà Nội - kể rằng, khi thông tin về các tuyến đường gom và các nút giao tại Hà Nội của siêu dự án Vành đai 4 có tổng vốn đầu tư hơn 135.000 tỷ đồng chạy qua 5 địa phương thuộc Vùng thủ đô được công bố, anh được nghe nhiều cuộc điện thoại của khách quen hỏi về các dự án bất động sản kề cận dù tháng 5 vừa qua là thời điểm Covid-19 bùng phát tại Hà Nội.

“Trong tháng 5, nhóm tôi đã chốt được kha khá giao dịch ở khu Nam Từ Liêm”, Hải cho biết và kể về một vụ “chốt deal” từ xa mà theo anh là lần đầu tiên có được trong gần chục năm làm môi giới địa ốc.

“Một khách hàng ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh điện thoại cho biết anh ấy đang cách ly trong vùng dịch nhưng vẫn muốn tìm hiểu về các dự án có thể kết nối thuận tiện với đường Vành đai 4, tôi giới thiệu một dự án cao cấp chỉ cách đại lộ Thăng Long vài trăm mét”, Nguyễn Hải kể và khoe rằng, sau khi được anh gửi qua zalo vị trí dự án và xem trực tiếp qua facetime, vị khách đặc biệt chốt ngay 1 căn 87 m2 cho cậu con trai học lớp 12 đang có nguyện vọng 1 vào học tại Đại học Thương mại.

Thật ra, theo Hải, khách hàng cao cấp giờ “nhạy tin” còn hơn cả môi giới, đây lại là khách hàng đã từng giao dịch với anh nên có lòng tin nhất định để có thể chốt mua bán mà không cần trực tiếp đến dự án.

Một câu chuyện khác, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, mỗi tuần, anh Vũ Kim Tuấn, nhân viên môi giới của một sàn giao dịch bất động sản tại quận 3, TP.HCM vẫn đều đặn livestream trên mạng xã hội để giới thiệu căn hộ trong bảng hàng đang có. Tuy nhiên, Tuấn chia sẻ, với các mặt hàng có giá trị thấp, khách hàng thường chốt mua ngay khi xem livestream, song với bất động sản thì khó hơn, bởi giá trị tài sản nhà đất rất lớn.

Vì vậy, livestream chủ yếu nhằm cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho khách hàng. Để khách chốt mua, người môi giới vẫn phải gặp trực tiếp, dẫn khách đi xem dự án và tư vấn sâu hơn. “Nhưng thời điểm đang giãn cách thế này, tôi vẫn duy trì song song, vừa tiếp thị truyền thống, vừa tận dụng kênh online”, anh Tuấn nói.

Không chỉ các nhân viên môi giới cá nhân, nhiều sàn môi giới, doanh nghiệp bất động sản cũng đang triệt để áp dụng hình thức livestream để bán sản phẩm và xem đây như một “cứu cánh” để… có việc mà làm trong thời điểm giãn cách xã hội.

Tất nhiên, việc áp dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh không phải bây giờ mới thực hiện rộng rãi, mà ở các đợt bùng phát dịch Covid-19 lần trước, các doanh nghiệp bất động sản đã từng bước chuyển đổi. Nhờ vậy, bước vào đợt bùng phát dịch thứ tư này, với sự chuẩn bị tốt, nhiều doanh nghiệp vẫn bình tĩnh ứng phó. Người mua nhà cũng bắt đầu dần quen với các cách thức bán hàng mới.

Ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Tập đoàn Thắng Lợi cho biết, việc giãn cách xã hội và dịch bệnh buộc doanh nghiệp phải thay đổi phương pháp vận hành. Trong bối cảnh hiện tại, việc bán hàng online được Tập đoàn Thắng Lợi tận dụng triệt để.

“Mỗi tuần, Thắng Lợi đều tổ chức giới thiệu các dự án, sản phẩm của doanh nghiệp thông qua hình thức livestream trực tiếp trên kênh fanpage của Tập đoàn. Nhưng livestream thôi chưa đủ, các công nghệ như sa bàn ảo, True360, trải nghiệm nhà mẫu 360 độ, VR… cũng được doanh nghiệp này đưa vào để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm một cách thực nhất. Việc áp dụng các nền tảng này là xu hướng tất yếu và dù doanh số bước đầu chưa cao, nhưng có tăng trưởng rõ rệt. Điều đó chứng tỏ nhà đầu tư, khách hàng bắt đầu quen với việc tiếp cận dự án qua các ứng dụng công nghệ”, ông Quyền cho biết.

Tương tự, giai đoạn này, Tập đoàn Bất động sản An Gia đang ưu tiên phục vụ và chăm sóc khách hàng thông qua các kênh online và ứng dụng AnGia+ nhằm đảm bảo sự thuận tiện và an toàn.

“Với sự hỗ trợ từ xa của đội ngũ chuyên viên tư vấn, một số khách hàng tin tưởng thương hiệu An Gia đã thực hiện booking, chốt deal ngay trong thời điểm giãn cách xã hội mà không cần đến xem thực tế dự án. Đây có thể nói là tín hiệu tốt đối với chúng tôi trong bối cảnh đầy biến động của thị trường”, đại diện Tập đoàn An Gia thông tin.

Ngoài những doanh nghiệp nói trên, hàng loạt tên tuổi khác trong ngành như Tập đoàn Hưng Thịnh, Sunshine Group, Vinhomes, Đất Xanh Services... cũng nhanh chóng tung ra các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản để tiếp thị, giao dịch sản phẩm hoặc ra mắt sàn thương mại điện tử kinh doanh bất động sản trực tuyến.

Với những ứng dụng này, chủ đầu tư, đại lý môi giới có thể chủ động thiết lập thông tin dự án, chính sách kinh doanh, cách thức và lộ trình bán hàng. Đặc biệt, quá trình đặt mua, chuyển tiền đặt cọc, ký kết hợp đồng, đối chiếu và trả phí đều được số hóa, rất nhanh gọn, linh hoạt và bảo mật.

Thị trường đón nhận ra sao?

Hoạt động ứng dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản được cho là thiết yếu trong thời đại 4.0, khi tỷ lệ người dùng internet tại Việt Nam tăng cao theo từng năm, hiện có hơn 68 triệu người dùng, chiếm gần 73% dân số cả nước. Trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh dần chuyển dịch từ offline sang online nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh, thị trường bất động sản cũng đứng trước những cơ hội mới khi hành vi người dùng thay đổi.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bất động sản là một loại hình sản phẩm có giá trị lớn và việc livestream giới thiệu sản phẩm không mang tính trực quan, khách hàng sẽ có nhiều băn khoăn về vị trí, giá trị tài sản, pháp lý nên khó đưa ra quyết định. Chưa kể, mua một căn hộ, một lô đất nhiều khi cần nhận được “cái gật đầu” của nhiều thành viên trong gia đình, trong đó có thế hệ cao tuổi không rành công nghệ, không thích nghe giới thiệu trực tuyến.

Do vậy, dù nhấn mạnh Covid-19 đã mở ra cuộc cạnh tranh trong thiết lập cách thức giao dịch mới trên thị trường, nhưng ông Phạm Lâm, nhà sáng lập hệ sinh thái số trong lĩnh vực bất động sản Houze Group vẫn luôn tỏ ra trăn trở, làm thế nào để thấu hiểu được khách hàng trong thời đại số, vì nhu cầu của khách hàng rất đa dạng.

Theo ông Lâm, ngành công nghiệp bất động sản đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua và các công nghệ mới đang tác động hữu hiệu đến cách thức các nhà kinh doanh bất động sản thực hiện công việc hằng ngày của họ. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vốn bảo thủ, nếu so với một số ngành khác như chứng khoán, ngân hàng, việc ứng dụng công nghệ sẽ không thể đi nhanh, đi toàn diện như khối tài chính.

“Ví như việc thanh toán trực tuyến, ví thanh toán có thể dễ dàng ứng dụng ở khối ngân hàng nhưng không dễ ở thị trường bất động sản, lĩnh vực vốn có giá trị giao dịch cao và rất cao”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh.

Về mặt công nghệ, theo ông Quốc Anh, Việt Nam đã có khá nhiều nền tảng giao dịch bất động sản online. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các proptech chỉ đáp ứng một phần nào đó các chu trình trong giao dịch. Ví dụ như có nền tảng đáp ứng nhu cầu thông tin tìm kiếm, có nền tảng chỉ để so sánh, nền tảng tài chính… mang tính phân mảnh, chưa tập hợp lại thành một nền tảng toàn diện.

“Thách thức nằm ở chỗ người dùng chưa hoàn toàn tin tưởng các ứng dụng, họ chỉ xem online như tham khảo”, ông Quốc Anh nhận xét.

Là một trong số doanh nghiệp phía Nam đang tận dụng tối đa thời gian giãn cách để tái cấu trúc doanh nghiệp và áp dụng công nghệ số, ông Thiệu Lê Bình, Phó giám đốc khối Chiến lược - Đầu tư Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là cần xây dựng niềm tin khách hàng, công khai, minh bạch, bảo mật và tiện lợi. Đảm bảo được các yếu tố này, công nghệ bất động sản sẽ tiếp cận và chiếm lĩnh niềm tin của người dùng.

“Công nghệ chỉ là điều kiện cần để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản”, ông Bình nói và nhấn mạnh, những năm gần đây, Hưng Thịnh Land đã đầu tư mạnh cho lĩnh vực công nghệ với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm. Từ năm 2019, Tập đoàn đã bắt đầu xây dựng nền tảng giao dịch bất động sản công nghệ mang tên TopenLand với mục tiêu giúp khách hàng nắm bắt được kiến thức, thông tin, cơ sở pháp lý để tự mình có thể đưa ra các quyết định giao dịch bất động sản an toàn, nhanh chóng, minh bạch.

“Việc ứng dụng công nghệ trong bất động sản của TopenLand không xóa bỏ lực lượng môi giới truyền thống mà sẽ giúp hoạt động môi giới trở nên chuyên nghiệp thuận tiện hơn”, ông Bình nói.

Tin bài liên quan