Covid-19 tái bùng phát, nỗi lo ập đến giới đầu tư

Covid-19 tái bùng phát, nỗi lo ập đến giới đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kết thúc tuần bằng một phiên giảm điểm vào thứ Sáu (19/11) do lo ngại dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, tuy nhiên cổ phiếu công nghệ thăng hoa đưa Nasdaq Composite lần đầu vượt 16.000 điểm.

Phiên cuối tuần, cổ phiếu ngân hàng, năng lượng, hàng không bị bán tháo trên diện rộng do tâm lý lo ngại bao trùm khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại châu Âu và nguy cơ các quốc gia tại lục địa già theo chân Áo phong toả hoàn toàn đất nước.

Bộ trưởng Y tế Đức hôm thứ Sáu cho biết, nước này không thể loại trừ việc đóng cửa đất nước trong bối cảnh các ca nhiễm mới liên tục tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới cũng đang tăng tại vùng Thượng Trung Tây trước trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào tuần tới, cũng là thời điểm mùa du lịch bận rộn sắp bắt đầu. Mỹ cũng ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức 100.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp vào hôm 18/11 và mức tăng trung bình trong bảy ngày tăng lên mức cao nhất trong sáu tuần là 94.669 ca.

Cổ phiếu của các hãng hàng chịu ảnh hưởng mạnh trong phiên với United Airlines giảm 2,7%, Delta giảm 1%, Boeing giảm 5,7%.

Cổ phiếu du lịch cũng tương tự với Airbnb giảm 3,8%, còn cổ phiếu Booking Holdings giảm 1,5%, Norwegian Cruise Line Holdings giảm 2%, Royal Caribbean giảm 2,9%.

Nhóm cổ phiếu công nghệ kìm hãm đà lao dốc trên phố Wall do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Nvidia tăng 4,1%, Adobe tăng 2,59%, Meta Platforms tăng 1,95%.

Mặt khác Thống đốc Fed Christopher Waller hôm thứ Sáu cho biết trong một bài phát biểu, ngân hàng trung ương có thể cần phải xoay xở để đẩy nhanh hơn tốc độ giảm mua trái phiếu trong bối cảnh kết quả lạm phát cao. Waller mô tả lạm phát cao trong năm nay giống như một "trận tuyết lớn sẽ ở lại mặt đất trong một thời gian" chứ không phải là một lớp bụi mỏng.

Trong khi đó, thị trường cũng đang chờ đợi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử người sẽ đứng đầu ngân hàng trung ương sau khi nhiệm kỳ của ông Jerome Powell kết thúc vào tháng 2 năm sau.

Trong một diễn biến khác, đêm qua Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã thông qua chương trình nghị sự chi tiêu xã hội trị giá 1.850 tỷ USD do chính quyền ông Biden đề xuất, sau khi cuộc bỏ phiếu vào hôm 18/11 bị trì hoãn bởi bài phát biểu kéo dài gần 4 giờ của Lãnh đạo phe Cộng hoà thiểu số Kevin McCarthy . Dự luật hiện cần phải được Thượng viện thông qua.

Khoảng 95% công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo tài chính quý III và 81% số này có lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng, theo Refinitiv. Các công ty thuộc S&P 500 đang trên đà tăng trưởng lợi nhuận 42,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi Dow Jones và S&P 500 giảm điểm Nasdaq Composite đóng cửa tại mức đỉnh lịch sử mới.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Dow Jones giảm 268,91 điểm (-0,8%), xuống 35.601,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,58 điểm (-0,1%), xuống 4.697,96 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 63,73 điểm (+0,4%), lên 16.057,44 điểm.

Trong tuần, S&P 500 tăng 0,32%, Dow Jones giảm 1,38%, trong khi Nasdaq Composite tăng 1,24%.

Chứng khoán châu Âu lao dốc trong phiên ngày thứ Sáu khi dịch bệnh bùng phát trở lại ám ảnh triển vọng kinh tế khu vực, buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại danh mục đầu tư và bán tháo tài sản rủi ro.

Vài ngày sau khi Hà Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc áp dụng lại các biện pháp giãn cách, Áo tuyên bố áp đặt lệnh phong toả toàn đất nước trong 20 ngày tới và Bộ trưởng Y tế Đức cho biết nước này cũng không loại trừ khả năng phải đóng cửa.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 32,39 điểm (-0,45%), xuống 7.233,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 61,76 điểm (-0,38%), xuống 16.159,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 29,69 điểm (-0,42%), xuống 7.112,29 điểm.

Kết thúc tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 1,69%, chỉ số DAX tăng 0,41%, chỉ số CAC 40 tăng 0,29%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng khi các gã khổng lồ sản xuất chip theo chân các công ty cùng ngành trên phố Wall đêm trước. Tuy nhiên, mức tăng đã bị chặn lại khá nhiều do phiên thua lỗ thứ hai liên tiếp của SoftBank.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, phần lớn nhờ vào sức mạnh của cổ phiếu bất động sản và logistics.

Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm do gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba kéo lùi sau khi báo cáo kết quả kinh doanh đáng thất vọng.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng và ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần.

Kết thúc phiên 19/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 147,21 điểm (+0,50%), lên 29.745,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,66 điểm (+1,13%), lên 3.560,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 269,75 điểm (-1,07%), xuống 25.049,97 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 23,64 điểm (+0,80%), lên 2.971,02 điểm.

Kết thúc tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,46%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,60%, chỉ số Hang Seng giảm 1,1%, chỉ số KOSPI tăng 0,07%.

Giá vàng đêm qua hạ nhiệt do áp lực chốt lời tăng cao sau nhiều phiên mặt hàng kim loại quý này tăng mạnh. Tuy nhiên, xu hướng giảm của vàng bị kìm hãm vì USD suy yếu từ mức đỉnh 16 tháng.

Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay giảm 13,50 USD (-0,73%), xuống 1.845,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,80 USD (-0,53%), xuống 1.851,60 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,1%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 0,9%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 17 chuyên gia trên phố Wall, có 8 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 4 người cho rằng giá vàng sẽ giảm và có 5 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.057 người tham gia, 71% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 15% cho rằng giá vàng giảm và 14% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu giảm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu do diễn biến dịch bệnh tăng cao ở châu Âu, đe dọa làm chậm sự phục hồi kinh tế khu vực này, trong khi các nhà đầu tư cũng cân nhắc khả năng giải phóng kho dự trữ dầu thô của các nền kinh tế lớn để hạ nhiệt giá dầu.

Kết thúc phiên 19/11, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,91 USD (-3,6%), xuống 76,10 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,35 USD (-2,9%), xuống 78,89 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent giảm 0,4%, trong khi WTI giảm 0,6%.

Tin bài liên quan