Những người hồi phục sau khi mắc Covid-19 được ra viện ở Thượng Hải ngày 9/4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Những người hồi phục sau khi mắc Covid-19 được ra viện ở Thượng Hải ngày 9/4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Covid-19 lây lan ngoài Thượng Hải: Trung Quốc bước vào giai đoạn chống dịch khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 11/4, 45 thành phố, chiếm khoảng 40% sản lượng kinh tế Trung Quốc đã thực hiện phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Sự lây lan của Covid-19 ra ngoài Thượng Hải đang khiến Trung Quốc bước vào giai đoạn chống dịch khó khăn.

Thượng Hải còn “chặng đường dài” để trở về cuộc sống bình thường

Ngày 13/4, trong chuyến thăm tỉnh Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định "việc kiểm soát và ngăn chặn dịch Covid-19 không thể lơi lỏng", đồng thời chỉ ra rằng Thượng Hải vẫn còn một chặng đường dài phía trước để quay trở về cuộc sống bình thường.

Trong khi tuần này Thượng Hải đã cho phép người dân ở một số khu phố ra khỏi nhà thì thành phố này ghi nhận kỷ lục 27.000 ca Covid-19 ngày 13/4, đánh dấu số ca mắc kỷ lục lần thứ 12 trong 13 ngày.

Trọng tâm chính trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Trung Quốc hiện nay là tăng cường xét nghiệm nếu bất kỳ thành phố nào ghi nhận dịch bệnh bùng phát hoặc thậm chí có dấu hiệu bùng phát.

Trước đó, tại Thâm Quyến, đợt phong tỏa kéo dài 1 tuần cùng với việc xét nghiệm toàn thành phố dường như đã khiến dịch bệnh ở đây ngừng lây lan và cho phép thành phố này nhanh chóng quay trở về trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, tại Thượng Hải, nơi dịch Covid-19 ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát, người dân lo ngại rằng chính các trung tâm xét nghiệm có thể trở thành nguồn lây lan dịch bệnh.

Jacy Cao, một người sinh sống trong khu dân cư có 32 hộ gia đình ghi nhận ca mắc Covid-19 cho biết, hàng chục cư dân trong khu phố này từ chối xét nghiệm ngày 12/4 sau khi biết được rằng các nhân viên y tế đã xét nghiệm cho những người mắc Covid-19 trước khi xét nghiệm cho những người chưa mắc Covid-19.

Theo Jacy Cao, điều này sẽ "làm tăng rủi ro lây nhiễm cho những người khỏe mạnh bởi vẫn cùng một đội y tế lấy mẫu cho tất cả người dân tại cùng một địa điểm". Cô cũng cho biết khu phố nơi cô sinh sống đã đề nghị các tòa nhà chưa có ca mắc được tiến hành xét nghiệm trước.

Giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19

Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19. Đợt bùng phát dịch bệnh ở Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc đã chứng kiến biến thể BA.2 lây lan với mức độ chưa từng có. Trong khi số ca mắc trong những đợt bùng phát gần đây chủ yếu được ghi nhận ở Cát Lâm và Thượng Hải thì khoảng 29 tỉnh thành khác của Trung Quốc cũng ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới. Điều này đã đặt ra thách thức đáng kể cho Trung Quốc khi nước này tiếp tục thực hiện chính sách "Không Covid" mà hiện đã được điều chỉnh thành "Không Covid năng động" để xóa sổ virus SARS-CoV-2.

Các nhà chức trách y tế cảnh báo virus có thể khiến các hệ thống y tế của Trung Quốc bị quá tải và đặt những người cao tuổi, vốn đang chậm tiêm vaccine, gặp rủi ro.

Các nguồn lực đang phải căng mình ở Trung Quốc khi các nhân viên y tế trên khắp đất nước và các nhà chức trách y tế ở Bắc Kinh được điều tới các điểm nóng dịch bệnh để hỗ trợ tiến hành các biện pháp chống dịch, từ xét nghiệm hàng loạt cho tới xây dựng các bệnh viện dã chiến.

Các nhà chức trách tại các địa phương cũng phải lên kế hoạch cho những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo sự lây lan của virus sẽ không nghiêm trọng như Thượng Hải.

Tăng cường các biện pháp chống dịch

Hiện nay, có nhiều biện pháp hạn chế đang được triển khai trên khắp Trung Quốc.

Bên cạnh xét nghiệm hàng loạt, các nhà chức trách tại Quảng Châu đã yêu cầu trường học chuyển sang học trực tuyến và khuyến cáo người dân không rời thành phố trừ trường hợp cần thiết hoặc nếu muốn rời thành phố thì sẽ cần xét nghiệm âm tính với Covid-19. Thành phố này đã ghi nhận 37 ca mắc hôm 10/4 sau khi gần 10 ca được ghi nhận 1 ngày trước đó.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho một người dân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Tại thành phố Vũ Hán, nơi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối năm 2019, các hành khách khi sử dụng tàu điện ngầm sẽ phải trình giấy chứng nhận âm tính với Covid-19.

Còn tại Bắc Kinh, người dân tại các khu phố có nguy cơ cao sẽ bị hạn chế đi lại. Các nhà chức trách tại thủ đô của Trung Quốc tuần trước cho biết hàng trăm trường hợp tiếp xúc gần đang được theo dõi và họ sẽ tiếp tục giám sát "nhiều chuỗi lây nhiễm", trong đó có những ca mắc liên quan đến một cửa hàng quần áo và nhà trẻ.

Các thành phố ở Thượng Hải đã thực hiện phong tỏa tuần qua do lo ngại dịch bệnh lây lan trong khi tại tỉnh Chiết Giang gần đó, các nhà chức trách cam kết sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát với những người vào khu vực này.

Hiện những đợt bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn ở quy mô nhỏ nhưng hiệu quả của các biện pháp trên cũng như việc chúng sẽ áp dụng bao lâu về dài hạn vẫn là những câu hỏi để ngỏ.

"Do biến thể Omicron dễ lây nhiễm và chủ yếu là các ca nhẹ nên việc ngăn cản dịch bệnh lây lan sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều so với các biến thể trước đó", Alex Cook phó giáo sư Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho hay.

Tin bài liên quan