Ảnh minh họa: Dây chuyền sản xuất ô tô VinFast
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19.
Dự thảo Chỉ thị nhận định, Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại lớn và giao lưu nhiều mặt với Trung Quốc, độ mở của nền kinh tế lớn nên dịch Covid- 19 ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, du lịch, đình trệ sản xuất kinh doanh...
Việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% là thách thức rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chịu thêm các ảnh hưởng từ hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh khác trên gia súc và gia cầm (H5N1, H5N6).
Do vậy, trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, cần ưu tiên các giải pháp về phòng, chống dịch quyết liệt, hiệu quả nhưng đồng thời cần thực hiện mạnh mẽ các giải pháp duy trì, ổn định và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo Chỉ thị nêu bật các yêu cầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó nhấn mạnh người đứng đầu cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh việc tập trung kiểm soát tình hình, hạn chế lây lan, phát tán dịch bệnh, Dự thảo Chỉ thị nhấn mạnh các bộ, ngành cần thường xuyên thực hiện rà soát, đánh giá ảnh hưởng và lượng hóa các tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành, lĩnh vực được phân công theo dõi. Trên cơ sở đó, cập nhật kịch bản tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực theo diễn biến tình hình dịch; riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi Quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả để thực hiện.
Về đầu tư công, khẩn trương giải ngân hết số vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 ngay trong Quý I/2020; Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm.
Dự thảo Chỉ thị nêu nhận định, qua đợt dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Trên tinh thần đó, các bộ, ngành và địa phương cần (1) Rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch bệnh gây ra; đề xuất, kiến nghị các biện pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; (2) Tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; (3) Triển khai nhanh, quyết liệt các giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với phát triển kinh tế tư nhân.