Công nhân hoàn thiện sản phẩm của Coolmate tại nhà máy may (Nguồn: Coolmate).
Bà Nguyễn Hoài Xuân Lan, đồng sáng lập Coolmate xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn rằng, đợt huy động vốn lần này được hoàn tất vào hôm qua (9/3) sau khi toàn bộ số tiền nhà đầu tư cam kết giải ngân đã về tài khoản.
Việc tiếp tục huy động thêm 1,1 triệu USD từ 2 nhà đầu tư cũ là STIC Ventures và VIC Partners được kỳ vọng giúp Coolmate đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong năm nay.
Start-up này công bố doanh thu năm ngoái cao gấp hơn 3.5 lần năm 2020, khi đạt 139 tỷ đồng và đưa ra kế hoạch năm nay sẽ tăng lên 440 tỷ đồng, cũng như từng bước tiến tới IPO vào năm 2025.
Thành lập tháng 2/2019, Coolmate định hướng là thương hiệu đồ cho nam giới, cung cấp các sản phẩm cơ bản, với thiết kế đơn giản và tập trung vào trải nghiệm khách hàng với cam kết 100% hài lòng trong dịch vụ của mình.
Mô hình của Coolmate là cung cấp sản phẩm may mặc “sản xuất tại Việt Nam", được bán trực tiếp tới tay khách hàng qua nền tảng thương mại điện tử (D2C Ecommerce) với giá cả được cho là hợp lý hơn do tiết kiệm được nhiều các chi phí mặt bằng và bán hàng truyền thống.
Nguồn vốn 1,1 triệu USD do STIC Ventures và VIC Partners giải ngân sẽ được Coolmate dùng cho 3 công việc.
Một là, đầu tư vào nghiên cứu và mở rộng danh mục sản phẩm với những chất liệu mới. Hai là, đầu tư vào nâng cấp hệ thống vận hành để có thể đáp ứng việc giao nhận đóng gói ở quy mô lớn. Ba là, đầu tư vào việc nâng cao năng lực đội ngũ.Về Quỹ đầu tư, tiền thân của STIC Ventures - công ty quản lý quỹ đầu tư có trụ sở chính tại Hàn Quốc là bộ phận đầu tư mạo hiểm của STIC Investments, được thành lập từ năm 1999.
Công ty đang quản lý số vốn gần 1,4 tỷ USD và đã đầu tư vào khoảng 450 công ty tại châu Á.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư khởi nghiệp VIC Partners có trụ sở chính tại Việt Nam và đã đầu tư vào TopCV, Scholakids, Callio…
Người đại diện kiêm Chủ tịch Công ty là ông Đinh Viết Hùng, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Joomlart & Rada.
Ông Hùng cũng là nhà sáng lập DesignBold- start-up từng được đội ngũ lãnh đạo kỳ vọng trở thành “kỳ lân”, nhưng rất tiếc đã đóng cửa vào năm ngoái, sau 5 năm hoạt động.