Novaland: Đột phá chiến lược “đại đô thị” du lịch nghỉ dưỡng

Novaland: Đột phá chiến lược “đại đô thị” du lịch nghỉ dưỡng

(ĐTCK) Trong năm 2019, tầm nhìn của Novaland (NVL) có sự thay đổi theo hướng phát triển đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, Novaland định hướng trở thành “Tập đoàn kinh tế hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, du lịch, phát triển hạ tầng”. Tương lai gần, Novaland tiếp tục phát triển mạnh các loại hình bất động sản bên cạnh việc phát triển du lịch và hạ tầng để hỗ trợ. Xa hơn, Tập đoàn sẽ tiếp cận đầu tư tài chính và phát triển các loại hình tài chính. 

Dành 75% quỹ đất cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

Trong 3 đến 5 năm tới, chiến lược của Novaland vẫn tập trung phát triển bất động sản nhà ở, trọng tâm tại thị trường TP.HCM, đồng thời dần bước chân vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ du lịch.

Theo đó, với 2.700 ha quỹ đất hiện tại, Novaland sẽ phân bổ 25% cho bất động sản nhà ở, kiên định phân khúc bất động sản hạng trung và cao cấp; dành 75% cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Năm 2018, NVL đã mở rộng danh mục sản phẩm sang loại hình bất động sản nghỉ dưỡng với các dự án quy mô mang thương hiệu NovaWorld, NovaBeach, NovaHills. 

Tự tin kế hoạch năm 2019

Năm 2019, Novaland sẽ tập trung vào 3 dòng sản phẩm chủ lực với chiến lược “kiềng 3 chân” tạo thành hệ sinh thái sản phẩm có thể bổ trợ, gia tăng giá trị lẫn nhau một cách chặt chẽ bao gồm: bất động sản nhà ở tại TP.HCM; đô thị vệ tinh tại các tỉnh, thành phố lân cận và đô thị nghỉ dưỡng tại các địa phương có tiềm năng du lịch như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Ðà Lạt - Lâm Ðồng…

Theo đó, Novaland sẽ giới thiệu ra thị trường 4.500 sản phẩm bất động sản nhà ở (căn hộ, nhà phố, biệt thự) và 2.000 sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (nhà phố nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse…). Dựa trên cơ sở này, Novaland đặt kế hoạch thu thuần 18.000 tỷ đồng, tăng 17,7% và lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng, tăng 0,7%.

Ðáng chú ý, hiện Novaland còn hơn 1.000 sản phẩm, tương đương 6.400 tỷ đồng chưa được ghi nhận doanh thu trong năm 2018 nhưng sẽ được ghi nhận dần trong các quý của năm 2019. Yếu tố này góp phần tăng tính khả thi của kế hoạch năm 2019.

Ban lãnh đạo Novaland tin tưởng, hành lang pháp lý trong năm 2019 sẽ tiến triển tích cực và kế hoạch đưa sản phẩm ra thị trường là khả thi.

Năm 2018, Novaland đạt kết quả kinh doanh đáng khích lệ với doanh thu 15.290 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017, trong đó có 80% đến từ bất động sản nhà ở (căn hộ, nhà phố, biệt thự...), với tổng 4.589 sản phẩm được bàn giao, tăng 28%. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.267 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2017.

Hiện Novaland có một danh mục 40 dự án, cung cấp ra thị trường hơn 27.000 sản phẩm nhà ở, trong đó đã bàn giao và đưa vào sử dụng 22 dự án. Ðối với hoạt động M&A, tuỳ thuộc vào cơ hội đầu tư, thị trường, cơ hội lợi nhuận để đảm bảo biên lợi nhuận an toàn, hiệu quả cho cổ đông.

Ðặc biệt, trong năm 2018, Novaland đã tạo tiếng vang khi huy động được 570 triệu USD từ thị trường quốc tế, trong đó có 240 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore.

Ban lãnh đạo Novaland chia sẻ, để có thể huy động được nguồn vốn trái phiếu quốc tế, Công ty phải đảm bảo chặt chẽ các chỉ số an toàn tài chính, khi huy động USD thì phải thương lượng các tổ chức để quy đổi ngang như VND, nên hoạt động này sẽ nằm trong phạm vi cho phép của các cam kết với các tổ chức đã đầu tư.  

Ðón chờ giai đoạn sôi động nhất của Novaland

Du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng “nóng”, với tốc độ phát triển 30% - 40% và Việt Nam nằm trong Top 3 tăng trưởng du lịch, kỳ vọng trở thành khu vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 13% GDP vào năm 2030. Với tiềm năng lớn từ nguồn khách quốc tế tăng mạnh, cũng như sự phát triển của cơ sở hạ tầng, du lịch Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Trước cơ hội của ngành du lịch và thị trường bất động sản, chúng tôi đang nỗ lực định hình xu hướng mới, nhu cầu mới trong đầu tư bất động sản và nâng cao giá trị đầu tư cho khách hàng của mình. Mục tiêu của Tập đoàn là phối hợp với các nhà tư vấn, các đơn vị vận hành chuyên nghiệp để tạo ra những điểm đến tuyệt hảo cho khách du lịch nội địa và quốc tế, nhằm góp phần đưa những nơi này thành trung tâm nghỉ dưỡng của khu vực; ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Ðồng thời, để dòng vốn nhà đầu tư sinh lời lâu dài dựa trên nguồn du khách đến và trở lại các khu du lịch thường xuyên, chúng tôi xây dựng một chuỗi dịch vụ liên kết hỗ trợ, qua đó sẽ hình thành nên hệ sinh thái Dịch vụ Du lịch NovaTourism. Không chỉ vậy, chúng tôi đã mời các nhà tư vấn danh tiếng quốc tế như BCG, McKinsey… cùng các địa phương thảo luận, nghiên cứu để cùng nhau xây dựng chiến lược phát triển du lịch, tạo thành những điểm đến cho du khách trong và ngoài nước. Việc này góp phần cho sự phát triển mang tính bền vững của doanh nghiệp và cả xã hội”, ông Bùi Xuân Huy chia sẻ thêm.

Trong thời gian tới, Novaland sẽ giới thiệu dự án NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, NovaWorld Mekong. Các dự án này đều lấy thị trường TP.HCM làm trọng tâm của hạ tầng giao thông kết nối cũng như thu hút nhà đầu tư và khách hàng.

Theo đó, khi nói về lợi thế cạnh tranh của Novaland, ông Huy hoàn toàn tự tin với những ưu thế về uy tín thương hiệu Tập đoàn, quỹ đất lớn cũng như kinh nghiệm lâu năm trong việc triển khai dự án và quản trị rủi ro chặt chẽ.

Trước lo ngại về bội cung bất động sản nghỉ dưỡng, ông Huy cho rằng, chiến lược và cách đi của Công ty là hợp lý và tạo điểm đến với dịch vụ tích hợp tổng thể, kỳ vọng sẽ tạo điểm đến hấp dẫn và diện mạo mới, đánh trúng nhu cầu sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng của khách hàng.

Tin bài liên quan