Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp ngành gỗ

Cơ hội rộng mở với doanh nghiệp ngành gỗ

(ĐTCK) So với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06% và so sánh với tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Dư địa tăng trưởng và khả năng tăng thị phần của doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn rất cao khi cơ hội thị trường rộng mở.

Cơ hội rộng mở

Năm 2017, Việt Nam có 1.500 doanh nghiệp chế biến gỗ trực tiếp xuất khẩu, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ vượt con số 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2016 và về đích sớm 3 năm so với mục tiêu đạt khoảng 8 - 8,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào năm 2020.

Riêng quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 1,94 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, năm 2017 là năm thứ ba liên tiếp kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của các doanh nghiệp trong nước vượt qua doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhấn mạnh, Việt Nam đã có vị trí tốt trên bản đồ sản xuất đồ gỗ của thế giới, đứng thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 5 toàn cầu về xuất khẩu.

Tuy nhiên, so với tiêu dùng đồ nội thất toàn cầu, tổng sản xuất của Việt Nam chỉ ở mức 2,06% và so sánh với tổng thương mại đồ gỗ của 100 quốc gia xuất khẩu, Việt Nam chiếm khoảng 6%. Dư địa tăng trưởng và khả năng tăng thị phần của doanh nghiệp gỗ Việt Nam còn rất cao khi thị trường rộng mở.

Nhìn thẳng vào thực tại, ông Hạnh cho biết, doanh nghiệp gỗ Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong khi cơ hội thị trường còn nhiều nên việc chủ động tiếp cận thị trường, gia tăng độ phủ và nâng cấp chất lượng sản phẩm với giá cả cạnh tranh là điều rất cần thiết để giải bài toán tăng thị phần.

Tăng trưởng thị phần xuất khẩu

Dù doanh thu thuần giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vẫn ghi nhận lãi tăng trưởng mạnh nhờ giá vốn bán hàng giảm, đẩy lợi nhuận gộp tăng 14% lên mức 66 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, TTF đã có những nước cờ khôn ngoan khi tập trung vào nhóm khách hàng lớn nội địa là Vingroup, Tân Liên Phát… để gia tăng thị phần. Bên cạnh đó, Công ty cũng đẩy mạnh hơn mảng xuất khẩu, dự kiến tăng doanh thu ở thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Ông Mai Hữu Tín, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Trường Thành cho biết: “Năm 2018, TTF đặt kế hoạch doanh số 1.570 tỷ đồng và lãi sau thuế 76 tỷ đồng. Trong kế hoạch dài hạn, Công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, hướng đến doanh số 5.000 tỷ đồng vào năm 2021 với tỷ trọng 50% trong nước và 50% nước ngoài”.

Nói về đẩy mạnh tăng trưởng thị phần nội địa, không chỉ TTF thành công mà nhiều doanh nghiệp gỗ đã đi theo chiến lược này.

Theo thống kê, trong năm 2017, doanh nghiệp gỗ đóng góp cho thị trường nội địa với giá trị sản phẩm ước đạt 1,65 tỷ USD, nâng tổng sản phẩm của ngành trong năm 2017 lên 9,65 tỷ USD (gồm cả xuất khẩu và nội địa).

Tỷ lệ đồ gỗ nhập vào Việt Nam rất hạn chế, ông Hạnh cho biết, bình quân nhập khẩu đồ gỗ vào Việt Nam trong 7 năm qua chỉ có 70 triệu USD/năm, cho thấy ngành chế biến gỗ đã thỏa mãn phần lớn thị trường trong nước, hạn chế tối đa sản phẩm ngoại nhập. Đồng thời ngành gỗ vẫn khẳng định là ngành kinh tế xuất siêu trên 70% và là ngành sản xuất có giá trị gia tăng trên 40%.

Trong bối cảnh này, vấn đề cần tập trung hiện tại là mở rộng thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có quan hệ đối tác thương mại gỗ với rất nhiều thị trường lớn, nhất là Mỹ, với kim ngạch trao đổi ước khoảng 3 tỷ USD/năm, ngoài ra còn có Australia, Nhập Bản, New Zeland...

Với Trung Quốc, đây là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam, khi thặng dư thương mại các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ thị trường này khoảng trên 600 triệu USD mỗi năm. Do đó, cần phải duy trì tốt các thị trường này.

Tuy nhiên, một khó khăn các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang gặp hiện nay là vấn đề bảo hộ tại nhiều thị trường, trong đó có một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp ngành gỗ cần có những chuẩn bị thích ứng nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào các thị trường này.

Bên cạnh đó, đối với các nước tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp nhìn nhận sẽ có nhiều cơ hội hơn thách thức. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết, ngay từ đầu năm 2018, doanh nghiệp đã bắt đầu cử người sang tìm hiểu, tiếp cận mở rộng thị trường Canada, Chile, Peru. Khi CPTPP được ký kết, các dòng thuế giảm về 0% sẽ đem lại cơ hội lớn cho sản phẩm từ gỗ.

Thực tế, các doanh nghiệp ngành gỗ đang tính toán từng bước đi cụ thể để tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng thị phần, tăng sức mạnh của sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Tin bài liên quan