Commonwealth Bank of Australia ký biên bản chuyển giao hoạt động của chi nhánh TP. HCM cho Ngân hàng Quốc tế (VIB)

Commonwealth Bank of Australia ký biên bản chuyển giao hoạt động của chi nhánh TP. HCM cho Ngân hàng Quốc tế (VIB)

Tổng giám đốc VIB chia sẻ về tầm nhìn quốc tế khi mua lại Chi nhánh TP. HCM của Commonwealth Bank of Australia

(ĐTCK) Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) vừa ký biên bản về việc chuyển giao toàn bộ hoạt động của CBA chi nhánh TP. HCM cho Ngân hàng Quốc tế (VIB). Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, CBA sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để làm việc với VIB ở Việt Nam, mà không phải bận tâm một lúc làm cả hai việc: lo cho một chi nhánh đang vận hành cũng như phần tham gia góp vốn tại VIB, còn VIB thực hiện được 2 mục đích chính. 

Ông có thể cho biết, mục đích của VIB khi mua lại toàn bộ CBA chi nhánh TP. HCM là gì?

VIB có hai mục đích chính khi mua CBA chi nhánh TP. HCM.

Thứ nhất, Ngân hàng mang được danh mục cho vay, danh mục huy động, danh mục khách hàng và cả đội ngũ kinh doanh của CBA về cho VIB. Đây thực tế là một việc quan trọng, bởi bất kỳ một thương vụ hợp nhất hay sáp nhập nào, điều cuối cùng hướng tới là giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng quy mô.

Thứ hai, VIB mua lại CBA chi nhánh TP. HCM đồng nghĩa với việc CBA sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để làm việc với VIB ở Việt Nam, mà không phải bận tâm một lúc làm cả hai việc: lo cho một chi nhánh đang vận hành cũng như phần tham gia góp vốn tại VIB. Điều này có ý nghĩa mang lại độ tập trung cao cho sự hợp tác của hai ngân hàng tại thị trường Việt Nam.

Trong ngắn hạn, thương vụ này không mang nhiều ý nghĩa cho việc mở rộng hoạt động của VIB ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sau khi thương vụ hoàn tất, CBA sẽ đóng vai trò như thế nào trong cơ cấu của VIB, đặc biệt khi CBA vẫn đang nắm 20% cổ phần, là cổ đông chiến lược của VIB?

Trước và sau thương vụ này, CBA vẫn là cổ đông chiến lược của VIB thông qua việc nắm giữ 20% cổ phần của Ngân hàng. Như trên đã đề cập, về tổng thể, tôi đánh giá sự tập trung nguồn lực của CBA cho thị trường Việt Nam sẽ ở mức độ cao hơn, nhất là sau khi CBA đã tham gia trong bộ máy của VIB được 7 năm thì độ tin tưởng của CBA đối với VIB cao lên rất nhiều.

Đứng từ góc độ của VIB, thương vụ này làm chúng tôi hài lòng hơn, bởi cổ đông lớn của chúng tôi là CBA sẽ chỉ tập trung vào phát triển kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam thông qua VIB, thay vì song song với đó là phát triển kinh doanh thông qua một chi nhánh mà CBA sở hữu 100%.

 Ông Hàn Ngọc Vũ

Tôi cũng chia sẻ thêm thông tin, sự tăng cường cam kết của CBA cho VIB và cho thị trường Việt Nam còn thể hiện thông qua việc ký kết mới với VIB thoả thuận trao đổi năng lực có giá trị nhiều triệu USD và CBA thành lập mới ở Việt Nam một công ty chuyên nghiên cứu, phát triển các giải pháp và ứng dụng cho công nghệ ngân hàng điện tử.

Có thông tin cho rằng, CBA đang gặp khó khăn trong kinh doanh tại Úc. Vậy thương vụ chuyển nhượng chi nhánh CBA tại Việt Nam có phải là “giá hời” cho VIB?

Theo những gì mà tôi biết, CBA đang hoạt động rất tốt ở Úc, với tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) hấp dẫn và giá trị vốn hoá thị trường được duy trì ở nhóm cao nhất trong số các ngân hàng trên toàn cầu. CBA vẫn đang là ngân hàng dẫn đầu tại Úc.

Ở góc độ VIB, đây là một thương vụ rất tốt, nếu không thì chúng tôi đã không triển khai. VIB vừa có thêm nhiều khách hàng tốt, vừa tăng quy mô về huy động và cho vay, vừa mở rộng được mạng lưới chi nhánh và ATM.

Một điều rất quan trọng nữa là khác với phần lớn các ngân hàng hoạt động ở Việt Nam, CBA chi nhánh TP. HCM có tỷ lệ thu nhập ngoài lãi rất lớn, chiếm tới 40% thu nhập. Toàn bộ hệ thống sản phẩm, dịch vụ, bộ máy kinh doanh và doanh thu này sẽ được chuyển về cho VIB.

Về phí chuyển nhượng, cả hai bên đã cam kết sẽ không tiết lộ các chi tiết về tài chính liên quan đến thương vụ này.

Trong thời gian tới, VIB có dự kiến tìm kiếm một ngân hàng nội địa trong nước để thực hiện M&A nhằm lớn mạnh hơn? Thương vụ mua CBA chi nhánh TP. HCM có ảnh hưởng đến kế hoạch niêm yết của VIB?

Hiện nay, VIB chưa có kế hoạch cụ thể về việc tìm một ngân hàng nội để thực hiện M&A, nhưng nếu có cơ hội tốt thì VIB sẽ xem xét. Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông mới đây, Chủ tịch Hội đồng quản trị của chúng tôi, ông Đặng Khắc Vỹ, đã trả lời một câu hỏi tương tự của cổ đông về vấn đề này là “VIB cởi mở nhìn nhận những cơ hội M&A, nhưng chúng tôi chỉ làm việc với những ngân hàng có tính minh bạch cao”. Cho đến bây giờ, quan điểm của VIB không thay đổi.

Thương vụ mua CBA chi nhánh TP. HCM không ảnh hưởng đến kế hoạch lên sàn của VIB. Ngân hàng đã có kế hoạch được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2016 là năm 2018 sẽ lên sàn. Tất nhiên, đây là một kế hoạch cho 2 năm và cần phải bàn bạc thêm về chi tiết.

Chiến lược của VIB trong thời gian tới là gì, thưa ông? Liệu tập trung vào mảng bán lẻ có là mục tiêu chính của VIB sau khi Ngân hàng từng có kế hoạch mua lại mảng bán lẻ của ANZ?

Kinh doanh ngân hàng bán lẻ vẫn đang là trọng tâm chiến lược của VIB. Việc chúng tôi nhận chuyển nhượng toàn bộ hoạt động của CBA chi nhánh TP. HCM - một đơn vị tập trung chủ yếu vào mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ với hơn 22.000 khách hàng, hay tham gia chào giá mua lại ngân hàng bán lẻ khác của nước ngoài tại Việt Nam, thể hiện nhất quán trọng tâm chiến lược này.

Nói cách khác, các hoạt động mua lại này không phải là tiền đề cho định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ của VIB.

Trong hai năm vừa qua, VIB duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 25% và con số này là 15,7% trong 6 tháng đầu năm 2017. Mảng ngân hàng bán lẻ của chúng tôi luôn tăng trưởng cao hơn tốc độ này.

Theo ông, đến cuối năm 2017, kết quả kinh doanh của VIB sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ thương vụ mua CBA chi nhánh TP. HCM?

Kết quả kinh doanh của CBA chi nhánh TP. HCM sẽ trở thành một phần kết quả hoạt động của VIB cuối năm 2017, góp phần gia tăng dư nợ, huy động, số lượng khách hàng, số lượng đơn vị kinh doanh, hệ thống ATM… của VIB. Các sản phẩm dịch vụ phục vụ du học, kiều hối, định cư giữa Việt Nam và Úc cũng sẽ được mở rộng do nhận bàn giao lại từ CBA.

Các chi tiết tài chính khác thì chúng tôi không được tiết lộ do có cam kết bảo mật theo hợp đồng chuyển nhượng.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP. HCM ngày 10/8/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác và đầu tư.

Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”; Gala Dinner & Vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016 - 2017, Diễn đàn sẽ phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và tổ chức khóa đào tạo cao cấp về chiến lược M&A.

Tin bài liên quan