Cách nào để tránh rủi ro pháp lý khi thế chấp quyền tài sản?

Cách nào để tránh rủi ro pháp lý khi thế chấp quyền tài sản?

(ĐTCK) Tài sản bảo đảm có thể là quyền tài sản như quyền khai thác tài nguyên, lợi tức... Đối với loại tài sản này, làm cách nào để tránh rủi ro pháp lý khi đem ra thế chấp. Báo Đầu tư Chứng khoán đã trao đổi với luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh về vấn đề này. 

Quyền tài sản liệu có phải đáp ứng thêm các điều kiện khác nếu pháp luật chuyên ngành quy định, thưa ông?

Theo khoản 1, Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ và quyền tài sản. Trong thực tiễn dân sự, các quyền mà có thể đem mua bán, trao đổi hoặc được chuyển hoá thành tiền... đều được coi là tài sản.

Nhìn chung, để quyền tài sản này có giá trị và được giao dịch, nó phải được cụ thể hoá ở một hình thức nhất định và thuộc về một chủ thể nhất định, do cơ quan quản lý có thẩm quyền chứng nhận, chứng thực hoặc cho phép trong các giao dịch dân sự.

Khi đó, việc còn lại là các bên thực hiện với nhau trên cơ sở các thoả thuận có liên quan đến quyền tài sản đã đủ điều kiện theo pháp luật.

Việc hình thành quyền về tài sản tuỳ thuộc vào loại quyền tài sản có các luật chuyên ngành điều chỉnh. Các luật này chủ yếu quy định quy trình để được nhà nước công nhận và hướng dẫn các bước thực hiện giao dịch. Chẳng hạn, để có quyền sử dụng đất và được nhà nước công nhận, tuỳ từng tình huống mà có các trình tự khác nhau điều chỉnh.

Nếu tài sản đảm bảo nói trên không đáp ứng đủ điều kiện nhưng vẫn được các bên giao kết hợp đồng, công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, hợp đồng đó có đương nhiên bị coi là vô hiệu?

Chế định hợp đồng vô hiệu quy định tại Điều 407, 408 Bộ luật Dân sự. Nếu không rơi vào các trường hợp như luật quy định về hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng không thể vô hiệu.

Cách nào để tránh rủi ro pháp lý khi thế chấp quyền tài sản? ảnh 1Luật sư Vũ Ngọc Chi 

Thực tế, không loại trừ trường hợp quyền tài sản do chuyển biến tình hình theo thực tế mà rơi vào các trường hợp hợp đồng vô hiệu.

Trong trường hợp tài sản đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của pháp luật mà qua chuyển biến thực tế không còn giá trị nữa (có giao kết hợp đồng, có công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm) thì chí ít tại thời điểm đó cũng là tài sản hợp pháp mà pháp luật quy định. Vì trong quá trình giao dịch đó bị điều chỉnh bởi luật dân sự, luật công chứng và các văn bản quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm .

Còn trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện mà các bên không thực hiện những trình tự theo luật, thực hiện không đầy đủ hoặc có yếu tố câu kết với nhau để làm không đúng với quy định pháp luật thì có làm đủ trình tự cũng vẫn coi là vô hiệu.

Giả sử phát sinh vụ án hình sự, cơ quan tố tụng cho rằng, tài sản trên chưa đủ điều kiện pháp lý, loại bỏ ra khỏi danh mục tài sản đảm bảo. Liệu việc ngân hàng vẫn nắm giữ tài sản đảm bảo trên để chờ cơ hội xử lý có đúng quy định?

Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng tài sản trên chưa đủ điều kiện pháp lý, loại bỏ ra danh mục tài sản đảm bảo thì giao dịch của các bên là không đúng pháp luật, không thoả mãn quy định của pháp luật .

Về nguyên tắc, nếu các cơ quan tố tụng tuyên buộc tiếp tục kê biên, tạm giữ các tài sản đó trong bản án hình sự để đảm bảo thi hành án thì đây là giao dịch bị luật hình sự điều chỉnh. Nếu không được đề cập đến trong bản án, việc giải quyết tài sản sẽ được thực hiện theo quy định của luật tố tụng dân sự của toà án có thẩm quyền giải quyết.

Lẽ dĩ nhiên, vì ngân hàng là người cho vay nên sẽ là người khởi kiện (nếu trong bản án hình sự không đề cập đến) để từng bước thu hồi lại tài sản. Trường hợp trong vụ án hình sự, hậu quả đã được khắc phục toàn bộ thì phần tài sản thế chấp đó sẽ được hoàn trả người thế chấp vì nghĩa vụ dân sự đã chấm dứt (việc này cũng có thể được ghi nhận trong bản án hình sự).

Việc định giá tài sản có thể do ý chí của các bên hoặc thông qua tổ chức định giá tài sản. Khi có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho bên bảo đảm, tổ chức định giá có phải chịu trách nhiệm?

Việc định giá tài sản do thoả thuận các bên lập ra thì các bên phải tự chịu. Nếu thông qua tổ chức định giá tài sản, phải chứng minh định giá không căn cứ vào chỉ dẫn pháp luật (những trường hợp này thường có sự thống nhất nhất định). Khi đó, tuỳ thuộc vào yêu cầu của bên thiệt hại và các hành vi cụ thể của tổ chức định giá mà có sự liên đới nhất định.

Tất cả các trường hợp khác làm theo các quy định của pháp luật tại thời điểm định giá, nhưng sau này có sự biến chuyển hoặc do nguyên nhân khách quan khiến giá trị tài sản có sự thay đổi thì không coi đây là thiệt hại nên tổ chức định giá không phải chịu trách nhiệm. 

Tin bài liên quan